Clinton, Trump không gây quỹ nhiều tại Thung lũng Silicon

Hình tư liệu - Bà Hillary Clinton (phải) và nhà bình luận công nghệ Kara Swisher tại Santa Clara, California, ngày 24 tháng 2 năm 2015.

Trong mùa bầu cử Mỹ, các ứng cử viên cố gắng gây quỹ trên cả nước để thắng cử. Cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều quyên được ít tiền hơn ông Obama cách đây 4 năm trong lĩnh vực công nghệ cao trên toàn quốc. Thung lũng Silicon trải dài từ San Francisco đến San Jose là một khu vực nổi danh về công nghệ và cải tiến.

Tại sao cả hai ứng cử viên Trump và Clinton đều làm không tốt bằng ông Obama? VOA ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp ở thung lũng Silicon.

Khi nói đến chính trị, nhiều người ở Thung lũng Silicon chia sẻ những quan điểm tương đồng.

Ông Trevor Traina, sáng lập viên và là CEO của công ty Ifonly, cho biết:

“Silicon Valley theo dõi cả hai ứng cử viên, và tôi nghĩ có sự lưỡng lự giữa cả hai.”

Ông Tim Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm, nói:

“Không ai trong số hai ứng cử viên đó tiếp cận với tôi.”

Những chia sẻ này có thể giải thích vì sao cả hai ứng cử viên đều không quyên được nhiều tiền ở lĩnh vực công nghệ cao trên toàn quốc như ông Obama và ông Mitt Romney trong cuộc đua tranh chức Tổng thống 4 năm trước.

Cô Gisel Kordestani, đồng sáng lập của công ty Crowdpac, nói:

“Cùng thời điểm này khi đó, ông Obama đã quyên được hơn 10 triệu đôla và ông Mitt Romney là hơn 3 triệu.”

Trong khi đó, cô Gisel Kordestani thuộc Crowdpac so sánh, bà Clinton cho tới nay mới quyên được 6 triệu đôla và ông Trump chỉ quyên được 225 ngàn đôla trong lĩnh vực công nghệ cao.

Bà Harmeet Dhillon, Chủ tịch Ủy ban Cộng hòa Toàn quốc từ California, cho biết:

“Sở dĩ ông Trump quyên ít tiền hơn bà Clinton là vì ông ấy không đặt vấn đề. Rất đơn giản, và đó là một chiến lược. Ông ấy đã thực hiện chiến dịch tranh cử rất khác trong cuộc bầu cử sơ bộ. Ông ấy đã được hàng tỉ đôla từ truyền thông qua các hoạt động có tổ chức. Ông ấy không phải trả tiền để được chú ý. Và thậm chí ở giai đoạn này của cuộc bầu cử, ông ấy cũng không phải mất tiền để được truyền thông chú ý.”

Cô Kordestani cho biết nhiều chuyên gia công nghệ ở Thung lũng Silicon đã ủng hộ các ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa từng có mặt trong cuộc đua này.

Cô nói:

“Chúng tôi thấy khá nhiều nhà tài trợ đóng góp cho các ứng cử viên như Marco Rubio, Carly Fiorina và Jeb Bush nhưng không cho ông Trump. Tôi cho rằng ông ấy chưa cộng hưởng tốt với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao vốn tương đối bảo thủ.”

Ông Trevor Traina, sáng lập viên của IfOnly, một thị trường cho mọi người mua kinh nghiệm, đã tổ chức một buổi gây quỹ cho ứng cử viên tổng thống Jeb Bush và góp tiền cho chiến dịch của ông ấy.

Ông Traina nói:

“Tôi nghĩ lợi thế chính của việc quyên góp cho những người này là mình sẽ có thể nhận được vài phút thời gian của họ, và có thể giới thiệu với họ những chủ đề mà mình nghĩ là quan trọng và cố gắng rót vào tai họ. Tôi cho rằng một lý do khác khiến người ta đóng góp là họ muốn đạt được kết quả gì đó. Họ hy vọng ai đó thắng hay ai đó thua.”

Traina chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Ông và những người khác ở khu công nghệ cao Silicon cho rằng các ứng cử viên và vị Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ cần chú ý đến Thung lũng Silicon.

Ông Traina tiếp lời:

“Các đại công ty hiện nay thật sự rất lớn. Apple, Microsoft, Facebook. Đó là một số những tập đoàn lớn nhất trên thế giới hiện nay. Đó là điều mới mẻ cho Thung lũng Silicon.”

Một số nhà phân tích nói rằng gần tới ngày bầu cử, mọi người sẽ bắt đầu quyết định bầu cho ai và thậm chí có thể đóng góp vào chiến dịch của người đó với hy vọng thay đổi chính quyền.