Công tố viên đặc biệt tính đường khép lại 2 vụ án liên bang sau khi Trump đắc cử tổng thống

Công tố viên đặc biệt Jack Smith (trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump (phải).

Cố vấn đặc biệt Jack Smith đang xem xét cách thức khép lại 2 vụ án liên bang nhằm vào ông Donald Trump trước khi vị tổng thống đắc cử nhậm chức, vì điều này liên quan đến chính sách lâu nay của Bộ Tư pháp Mỹ là các tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố, một người nắm vấn đề này cho biết hôm thứ Tư 6/11.

Năm ngoái, ông Smith khởi tố ông Trump về hành vi có mưu đồ lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 và tàng trữ bất hợp pháp các tài liệu mật tại khu dinh thự Mar-a-Lago của ông. Nhưng việc ông Trump đánh bại bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử mới đây đồng nghĩa là Bộ Tư pháp Mỹ tin rằng ông không còn có thể bị truy tố, phù hợp với quan điểm pháp lý của bộ nhằm bảo vệ các tổng thống khỏi các cáo buộc hình sự khi còn đương nhiệm.

Người nắm thông tin về kế hoạch của ông Smith không có thẩm quyền nói về vấn đề này một cách công khai và đề nghị ẩn danh khi chia sẻ thông tin với AP.

Với động thái khép lại 2 vụ án trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1/2025, ông Smith và Bộ Tư pháp sẽ tránh tình trạng đối đầu với ông Trump, người đã tuyên bố hồi tháng trước rằng ông sẽ sa thải ông Smith "trong vòng một nốt nhạc" sau khi nhậm chức. Điều đó cũng đồng nghĩa là ông Trump sẽ bước vào Nhà Trắng mà không phải lo về các cuộc truy tố hình sự cấp liên bang vốn từng có khả năng dẫn đến các bản án về trọng tội và án tù.

Ông Smith được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt vào tháng 11/2022.

Vụ án về tài liệu mật đã bị đình trệ kể từ tháng 7 khi một thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm, Aileen Cannon, bác bỏ vụ án với lý do ông Smith được bổ nhiệm bất hợp pháp.

Trong vụ án về can thiệp bầu cử năm 2020, ông Trump dự kiến ra tòa vào tháng 3 ở Washington. Nhưng vụ án đã bị dừng lại khi ông Trump khiếu nại, khẳng định ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố và cuối cùng hồ sơ khiếu nại của ông đã được đưa ra Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Tối cao Pháp viện ra phán quyết vào tháng 7, xác định rằng các cựu tổng thống được hưởng quyền miễn trừ truy tố trên diện rộng đối với các hành vi thực hiện tại Nhà Trắng và quy định cụ thể rằng không thể truy tố những hành vi liên quan đến việc các cuộc thảo luận của ông Trump với Bộ Tư pháp. Điều đó bao gồm cả những nỗ lực của ông nhằm sử dụng Bộ Tư pháp để tiến hành điều tra về vấn đề bị ông gọi là gian lận bầu cử, là một phần trong nỗ lực của ông nhằm vẫn được nắm quyền.

Tối cao Pháp viện với các thẩm phán theo đường lối bảo thủ chiếm đa số đã trả vụ án lại cho Thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ cấp Quận hạt Tanya Chutkan để xác định xem liệu có cáo buộc nào khác trong bản cáo trạng có thể được đưa ra xét xử.

Trong khi đó, ở New York, ông Trump có thể tìm cách tận dụng vị thế mới của mình là tổng thống đắc cử vào nỗ lực gác lại hoặc xóa bỏ bản án về trọng tội và ngăn chặn khả năng bị kết án tù.

Ông Trump đã kiện tụng trong nhiều tháng để lật ngược phán quyết ngày 30/5, liên quan đến khoản tiền bịt miệng 130.000 đô la chi cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels ngay trước cuộc bầu cử năm 2016. Đây là vụ án hình sự duy nhất liên quan đến ông được đưa ra xét xử.