Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang xấu đi

Thị trường tài chính Wall Street gần đây chao đảo vì thương chiến Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên phức tạp hơn - và chưa có gì rõ ràng là liệu ông có chiến thắng và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11 năm tới hay không.

Ông Trump gây bất ngờ cho cả Trung Quốc lẫn các nhà đầu tư hồi tuần trước khi đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ đô la vào ngày 1/9 tới, và sau đó nhanh chóng liệt Trung Quốc vào hàng “nước thao túng tiền tệ” vào hôm 5/8 để trả đũa cho việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng mua nông sản của Mỹ và cho phá giá đồng nhân dân tệ.

Giờ đây, thách thức chính trị đối với ông Trump là phải giữ lời hứa hồi tranh cử năm 2016 về đánh bại Trung Quốc, trong khi đó, thực hiện điều này lại có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế và thị trường chứng khoán tăng điểm kỷ lục trong nhiệm kỳ của ông, vẫn thường được ông thích thú đưa ra để tính điểm cho nhiệm kỳ tổng thống của mình.

"Ông ấy hiện phải đối mặt với vấn đề tiến thoái lưỡng nan này, đó là những hành động chống Trung Quốc, và cả các đối tác khác, thì có hại cho nền kinh tế Mỹ, hại đến kinh tế toàn cầu", ông David Dollar, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ hiện làm ở Viện Brookings, nói.

"Mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều và điều đó ảnh hưởng lớn đến triển vọng tái tranh cử của một tổng thống đương nhiệm. Nhưng ông ấy đã hứa là sẽ rất rắn với Trung Quốc mất rồi", ông Dollar nói.

Goldman Sachs - tập đoàn chuyên về ngân hàng, đầu tư, chứng khoán - cảnh báo khách hàng trong tuần này rằng việc Mỹ, Trung đạt thỏa thuận thương mại "giờ đây có vẻ xa vời" vì các quan chức ở Washington và Bắc Kinh hiện "đang có đường lối cứng rắn hơn".

Chiến lược mạnh tay của ông Trump nhằm thu về nhiều tỷ đô la qua thuế quan để gây sức ép, buộc Trung Quốc đi đến bàn đàm phán, đến nay đã có dấu hiệu làm cho kinh tế Mỹ phát triển chậm lại, và cũng có tác động tương tự trên khắp thế giới, khi các doanh nghiệp chần chừ không muốn đầu tư và mua bán vì sự bất định kéo dài.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế nhận định rằng tổng thống Mỹ dường như đặt cược vào việc ông có sự bảo đảm ở mức độ nào đó là Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để tránh chuyện nền kinh tế phát triển chậm chạp, và một thỏa thuận ngân sách cho hai năm sẽ đẩy mạnh chi tiêu đáng kể, giúp kích thích nền kinh tế Mỹ cùng lúc ông Trump bước vào cuộc bầu cử năm 2020.

"Ông ấy đang rất mạo hiểm", ông Maurice Obstfeld, giáo sư kinh tế tại Đại học Berkeley, nói. "Ông ấy đặt cược là nền kinh tế đủ mạnh và Cục Fed sẽ phản ứng đủ nhanh nhạy để ông ấy có thể cưỡi trên sóng của những cuộc chiến thương mại và tiền tệ này, và trở thành người chiến thắng mà không làm tổn hại nền kinh tế quá nhiều, nhưng có lẽ ông ấy đang phỉnh phờ chính bản thân mình".

Đến nay, Trung Quốc dường như sẵn sàng chịu đựng những tổn hại kinh tế hơn là tỏ ra khuất phục trước yêu cầu của ông Trump, vì có vẻ như Trung Quốc có chiến lược “đánh lâu dài” mà nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn cả nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của người từng là ông trùm bất động sản New York.

"Ông ấy [Tổng thống Trump] hoàn toàn đúng khi nói rằng phía Trung Quốc đang cố gắng trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử", ông Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện American Enterprise, nói. Chuyên gia này đã có một số dịp tư vấn cho chính quyền của ông Trump.

Ông Scissors nói thêm: "Họ [người Trung Quốc] không ngần ngại nói về điều đó trong các cuộc trao đổi riêng".

Ông Trump đã nhiều lần gạt sang một bên các phương pháp mang tính bài bản, sách vở thường có của Washington, và thích áp dụng cách tiếp cận không chính thống hơn khi xây dựng, thực hiện chính sách kinh tế của ông, đặc biệt là về thương mại.

"Những gì ông ấy đang làm là cố tạo ra hình ảnh một Tổng thống đang chiến đấu với kẻ thù nước ngoài để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thương mại", ông Obstfeld nhận xét. "Hình ảnh chiến binh trên mặt trận thương mại củng cố cho tính cách chính trị của ông ấy", giáo sư kinh tế tại Đại học Berkeley nói.

(CNN, Washington Post)