Cựu phó giám đốc FBI bị sa thải, nói mình bị nhắm mục tiêu tấn công

Andrew McCabe nói ông đang bị nhắm mục tiêu vì ông đã chứng thực phát biểu của cựu Giám đốc FBI James Comey rằng Tổng thống Donald Trump đã tìm cách gây áp lực buộc ông Comey chấm dứt cuộc điều tra Nga.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã sa thải quan chức cao cấp thứ hai của FBI, Andrew McCabe, khiến ông McCabe phải lên tiếng nói rằng ông đang bị nhắm mục tiêu vì ông là một nhân chứng quan trọng về việc liệu Tổng thống Donald Trump có tìm cách cản trở cuộc điều tra Nga hay không.

Ông Sessions, trong một thông cáo hôm thứ Sáu, nói ông cảm thấy sa thải ông McCabe là thỏa đáng sau khi cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tư pháp phát hiện ông McCabe đã tiết lộ thông tin cho phóng viên và nói dối các nhà điều tra về hành động của mình.

"FBI kì vọng mọi nhân viên tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất của sự trung thực, chính trực và trách nhiệm giải trình," ông Sessions nói.

Nhưng ông McCabe, người đóng một vai trò chính yếu trong các cuộc điều tra nhắm vào bà Hillary Clinton và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, đã bác bỏ những tuyên bố này và nói ông đang hứng chịu sự trả đũa của chính quyền Trump.

Trong một tuyên bố dài, ông McCabe nói ông tin rằng ông đang bị nhắm mục tiêu chính trị vì ông đã chứng thực phát biểu của cựu Giám đốc FBI James Comey rằng ông Trump đã tìm cách gây áp lực buộc ông Comey chấm dứt cuộc điều tra Nga.

Ông Trump sa thải ông Comey vào năm ngoái và thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông sa thải ông Comey vì "cái vụ Nga này."

Quyết định sa thải ông McCabe được đưa ra chỉ ra hai ngày trước sinh nhật lần thứ 50 của ông, là thời điểm mà ông đủ tiêu chuẩn để nghỉ hưu từ Cục Điều tra Liên bang và được hưởng trọn vẹn lương hưu. Vụ sa thải - xảy ra chín tháng sau khi ông Trump sa thải ông Comey - khiến lương hưu của ông McCabe gặp nguy.

Vụ việc này cũng có phần chắc sẽ khơi lên những nghi vấn về việc liệu ông McCabe có bị trừng phạt nặng nề quá mức hay không do áp lực chính trị từ tổng thống Đảng Cộng hòa, người đã đả kích ông McCabe trên Twitter và kêu gọi sa thải ông.

Vụ sa thải ông Comey đã mở đường cho Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đang dẫn đầu cuộc điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga. Ông Trump đã phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào.

"Tôi đang bị chọn nhắm mục tiêu và bị đối xử như vậy vì vai trò mà tôi đã đóng, những hành động tôi đã thực hiện, và những sự kiện mà tôi đã chứng kiến sau khi James Comey bị sa thải," ông McCabe nói trong một tuyên bố của ông.

"Cuộc tấn công nhắm vào uy tín của tôi là một phần trong một nỗ lực lớn hơn ... để bôi nhọ FBI, giới chấp pháp, và giới chuyên viên tình báo nói chung."

Nửa đêm thứ Sáu, không lâu sau khi tin tức về vụ sa thải được loan đi, ông Trump đăng một dòng tweet ca ngợi hành động này và đả kích ông McCabe và ông Comey.

Ông Trump viết: "Andrew McCabe BỊ SA THẢI, một ngày tuyệt vời cho những người đàn ông và phụ nữ làm việc cật lực của FBI - Một ngày tuyệt vời cho Dân chủ. James Comey ra vẻ cao đạo là sếp của ông ta và làm cho McCabe trông như cậu bé ngoan hiền. Ông ta biết tất cả những điều dối trá và tha hóa ở cấp cao nhất của FBI!"

Ông McCabe đã từ chức phó giám đốc FBI hồi tháng 1 nhưng ông xin nghỉ phép cho đến ngày nghỉ hưu.

Sự ra đi của ông xuất phát từ một bản báo cáo có nội dung phê phán từ Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp mà cuối cùng dẫn tới việc Văn phòng Trách nhiệm Chuyên nghiệp của FBI đưa ra khuyến nghị sa thải ông.

Bản báo cáo này, vẫn chưa được công bố cho công chúng, nói rằng ông McCabe đã nói dối các nhà điều tra về những liên lạc của ông với một cựu phóng viên của báo The Wall Street Journal, người khi đó đang viết về vai trò của ông McCabe trong các cuộc điều tra liên quan đến bà Clinton, bao gồm một cuộc điều tra về quỹ từ thiện của gia đình Clinton.

Trong tuyên bố của mình, ông McCabe phủ nhận ông nói dối các nhà điều tra.

Ông nói thêm rằng bản báo cáo của tổng thanh tra được "tăng tốc" để công bố sau khi ông khai chứng đằng sau những cánh cửa đóng kín trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, nơi ông tiết lộ ông có thể chứng thực những phát biểu của ông Comey.

Cựu Giám đốc FBI Director James Comey khai chứng trong một phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện ở Điện Capitol, ngày 8 tháng 6, 2017, ở Washington.

Vụ sa thải Comey đã trở thành tâm điểm của những nghi vấn về việc liệu ông Trump có tìm cách cản trở cuộc điều tra Nga một cách phi pháp hay không.

Ông McCabe có thể là một nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra của ông Mueller.

Ông Trump và các nhân vật theo Đảng Cộng hòa khác đã cáo buộc ông McCabe, người cả đời theo Đảng Cộng hòa và làm việc tại FBI suốt hơn 20 năm qua, có thiên kiến chính trị và mâu thuẫn lợi ích liên quan đến quyền giám sát của ông đối với các cuộc điều tra liên quan đến bà Clinton.

Một số chỉ trích đó bắt nguồn từ việc vợ ông, Jill McCabe, người theo Đảng Dân chủ, đã nhận một khoản tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử bất thành của bà giành một ghế tại thượng viện bang Virginia năm 2015 từ Terry McAuliffe, người từng là thống đốc của bang này và là đồng minh của gia đình Clinton.

Ông McCabe chỉ bắt đầu giám sát các cuộc điều tra cho đến khi chiến dịch tranh cử của vợ kết thúc, FBI cho biết, và do đó không có mâu thuẫn lợi ích.

Viết trên Twitter vào năm ngoái, ông Trump đặt câu hỏi tại sao ông McCabe lại được phép giám sát cuộc điều tra về việc bà Clinton sử dụng một máy chủ email cá nhân trong khi vợ ông nhận tiền quyên góp từ "những con rối của Clinton." Ông nói ông McCabe "đang chạy đua với thời gian để được nghỉ hưu với đầy đủ hưu bổng."

Ở nơi riêng tư, ông Trump cũng đã hỏi ông McCabe rằng ông đã bỏ phiếu cho ai cuộc bầu cử tổng thống và gọi vợ ông McCabe là một kẻ thua cuộc, theo các bản tin của giới truyền thông.

Ông McCabe trả lời ông Trump rằng ông không bỏ phiếu vào năm 2016, các bản tin cho biết.

Khi được hỏi về chuyện này vào tháng 1, ông Trump nói ông không nhớ là đã hỏi ông McCabe bỏ phiếu cho ai.

Báo cáo của Tổng thanh tra phần lớn tập trung vào cách thức mà ông McCabe trả lời các câu hỏi về việc liệu ông có rò rỉ cho báo chí trước khi họ đăng một bài báo có nội dung chỉ trích sự giám sát của ông đối với cuộc điều tra quỹ Clinton hay không.

Ông McCabe nói rằng ông không xem đây là một sự rò rỉ mà là một sự tiết lộ thông tin được cho phép, điều khá phổ biến ở Washington giữa các phóng viên và quan chức chính phủ.

Ông nói ông đã trả lời các câu hỏi một cách trung thực, và sau đó, khi ông cảm thấy các nhà điều tra hiểu lầm, ông đã cố gắng làm rõ các câu trả lời của ông với họ.