Cựu Thủ tướng Thaksin dự định trở lại Thái Lan giữa lúc bế tắc hậu bầu cử kéo dài

Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra của Thái Lan, trong bức ảnh khi đang trả lời phỏng vấn AFP ở Hong Kong ngày 25/3/2019, có dự định trở lại Thái Lan giữa lúc bế tắc hậu bầu cử đang kéo dài ở đây.

Cựu Thủ tướng hiện đang lưu vong Thaksin Shinawatra có kế hoạch trở lại Thái Lan vào ngày 10/8, theo con gái ông cho biết hôm 26/7, giữa lúc quốc gia Đông Nam Á này đang bị bế tắc chính trị sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5 trong đó các đảng đối lập với chính quyền quân sự đã giành chiến thắng.

Ông Thaksin, từng là một ông trùm trong ngành viễn thông, đã dành nhiều năm tìm cách chống lại sự can thiệp của quân đội vào các chính phủ do đảng dân túy của ông lãnh đạo và cuối cùng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.

Ông rời đất nước hai năm sau đó để tránh bị kết án tham nhũng mà theo ông là có động cơ chính trị.

"Bố sẽ trở lại vào ngày 10 tháng 8," bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin, cho biết trong một đăng tải trên mạng xã hội.

Bà Paetongtarn là một thành viên cao cấp của Pheu Thai, hiện thân mới nhất của một đảng được thành lập và trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin. Đảng này về nhì trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 sau Đảng Move Forward (Tiến lên).

Hai đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đã cùng nhau tìm cách thành lập một chính phủ với sáu đảng liên minh có cùng chí hướng nhưng đã vấp phải sự phản đối từ Thượng viện do quân đội chỉ định và các đối thủ bảo thủ.

Ông Thaksin, làm thủ tướng từ năm 2001 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2006, đã tự ra nước ngoài sống lưu vong từ năm 2008. Ông phải đối mặt với án tù 10 năm vì những tội danh bị gán cho ông.

Phó cảnh sát trưởng Thái Lan Surachate Hakparn cho biết ông Thaksin, 74 tuổi, sẽ phải tuân theo quy trình tư pháp khi trở về.

"Cảnh sát sẽ thực hiện nhiệm vụ thông thường của họ khi máy bay hạ cánh. Ông (Thaksin) sẽ phải ra tòa và nghe phán quyết của toà", ông Surachate nói với Reuters.

Một quan chức của đảng Pheu Thai từ chối bình luận về sự trở lại của ông Thaksin, và nói rằng đảng này không liên quan tới việc trở lại của cựu thủ tướng. Ông Thaksin đã từng thề sẽ trở lại nhưng sau đó đã đổi ý.

Trong một thông điệp gửi tới những người ủng hộ, ông Thaksin không đề cập đến bất kỳ tham vọng chính trị cá nhân nào nhưng nói rằng ông muốn cảm ơn họ vì đã ủng hộ đảng Pheu Thai.

“Nền kinh tế sẽ cải thiện rất nhiều dưới chính phủ của Pheu Thai,” ông nói trong thông điệp.

Theo hiến pháp do quân đội đặt ra, một thủ tướng phải được bầu lên bởi một cuộc họp chung của hai viện quốc hội. Các nhà phê bình cho rằng quy định này đã trao cho Thượng viện, do quân đội chỉ định, quyền lực để ngăn chặn các đảng giành được nhiều ghế nhất trong việc thành lập một chính phủ.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của Move Forward – đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 với sự ủng hộ của giới cử tri trẻ tuổi – đã bị ngăn cản trở thành thủ tướng chủ yếu là vì chính sách của đảng ông nhắm tới việc sửa đổi luật khi quân.

Những người chỉ trích cho rằng luật này đã được các lực lượng bảo thủ sử dụng để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Với việc Đảng Move Forward bị cấm cản, đảng đứng thứ hai là Pheu Thai đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ trong quốc hội để đề cử một đại diện của đảng này làm thủ tướng.

Một số nhà phân tích cho rằng họ sẽ phải thoả hiệp với các đối thủ thân quân đội cũ để đạt được điều đó.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, chuyên về khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho biết sự trở lại của ông Thaksin có thể là dấu hiệu cho thấy đảng Pheu Thai đã tìm ra cách thành lập chính phủ tiếp theo nhưng đảng này có thể phải cắt đứt quan hệ với đảng Move Forward để làm điều đó.

“Đảng Pheu Thai sẽ đánh liều,” GS Thitinan nói. "Họ sẽ thoả hiệp với chính phủ [quân sự] và cắt đứt liên minh với đảng Move Forward và một phần của các dàn xếp này là đưa ông Thaksin trở lại [Thái Lan]."

Một quan chức của đảng Move Forward cho biết việc ông Thaksin trở lại là "vấn đề riêng tư" và không liên quan đến việc thành lập chính phủ.

Một cuộc bỏ phiếu trong quốc hội để chọn một thủ tướng đã bị hoãn lại trong tuần này để tòa án có thời gian xem xét đơn kiện về quyết định ngăn cản ứng cử viên Pita cho chức vụ cao nhất của chính phủ Thái Lan.

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Wan Muhamad Noor Matha, nói với các phóng viên rằng ông hy vọng Tòa án Hiến pháp sẽ hành động khẩn cấp để giải quyết đơn kháng cáo và dọn đường cho một cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng.