Cố vấn WHO yêu cầu Mỹ cân nhắc lại việc cắt tài trợ

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres (hình chụp tại trụ sở WHO ở Geneva ngày 24/2/2020)

Cố vấn trưởng cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới nói quyết định mới đây của Mỹ ngưng tài trợ cho WHO là “tai hại” và Hoa Kỳ nên nghĩ lại việc này.

Bác sĩ Senait Fisseha nói việc ngưng tài trợ sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng của tổ chức Liên hiệp quốc này chống lại dịch bệnh toàn cầu.

“Chỗ chúng ta cảm thấy ảnh hưởng nhiều nhất là chung quanh những dịch vụ thông thường như chích ngừa, những can thiệp để cứu sinh mạng mà WHO cung cấp với sự cộng tác của các chính phủ,” bà Senait nói với VOA qua Skype. “Do đó, đây không phải là một tin tốt. Dĩ nhiên đây không phải là quyết định cuối cùng.”

Năm ngoái, tài trợ của Mỹ là 450 triệu đô la trong số ngân sách 6 tỉ đô la của WHO.

Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra giận giữ vì những tuyên bố của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dường như bênh vực Trung Quốc trong việc nước này bị cho là nguồn gốc của virus corona và ca ngợi những nỗ lực chế ngự virus của Bắc Kinh.

Vào ngày 14/4, ông Trump ra lệnh ngưng tài trợ cho WHO trong 90 ngày vì “quản lý không tốt và che giấu việc lây lan của virus.”

Quyền quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ John Barsa nói trong thời gian ngưng tài trợ, Hoa Kỳ sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ với các cơ quan y tế quốc tế khác.

Ông nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các chương trình hiện có ngoài Tổ chức Y tế Thế giới, và chúng tôi đang tìm các đối tác khác.”

Tuy nhiên bà Senait nói thời điểm của một hành động như thế thật là tai họa. WHO cung cấp việc theo dõi toàn cầu sự lây lan của bệnh, điều phối đáp ứng quốc tế và cố vấn và huấn luyện nhân viên y tế.

“Lúc này là lúc lãnh đạo của Hoa Kỳ cực kỳ cần thiết cho thế giới,” bà Senait nói. “Và không phải chúng ta chỉ mong muốn và chúng ta hy vọng là việc tài trợ sẽ được thiết lập trở lại, nhưng chúng tôi cũng muốn thấy tài trợ gia tăng để chống đại dịch này. Chúng ta sánh vai với nhau trong việc này.”

WHO bị chỉ trích vì những bước không đúng đường từ sớm trong việc đáp ứng với đại dịch. Vào ngày 14/1, tổ chức viết trên Twitter là nhà cầm quyền Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng là virus lây lan từ người sang người. Điều này chứng tỏ là sai lầm.

Tuy nhiên, bà Senait nói WHO tìm cách đứng ra ngoài chính trị và giữ quan hệ với tất cả các nước để tiếp cận thông tin. Bà chỉ rõ là trước đó WHO đã phái một toán các nhà khoa học quốc tế đến Trung Quốc để điều tra vụ bùng phát. Trong vòng hai tuần từ khi công bố báo cáo đầu tiên về virus, WHO đã có thể chia sẻ gen của virus được dùng để chế tạo dụng cụ chẩn đoán và nghiên cứu vaccine.

Bà Senait nói “Thẳng thắn mà nói thế giới chỉ có thể làm được việc này vì WHO phối hợp đối phó. Nhiều nước có quan hệ song phương, Mỹ có quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên những quan hệ này đầy tính cách chính trị. Và điều WHO nỗ lực làm là tránh xa chính trị và chú trọng vào y tế công cộng toàn cầu.”

Tổng giám đốc WHO Tedros cũng bị chỉ trích vì ca ngợi “sự minh bạch” của Trung Quốc trong báo cáo về virus vào lúc nhiều người tin là các giới chức Trung Quốc không phúc trình đầy đủ phạm vi bùng phát của dịch bệnh.

Các dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã viết một bức thư cáo buộc ông Tedros ủng hộ “chiến dịch tuyên truyền” của Trung Quốc và đòi ông Tedros công bố tất cả thư từ giữa WHO và các giới chức Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Senait, người gốc Ethiopia và đã làm việc với ông Tedros về các vấn đề y tế công cộng trong 20 năm, nói ông Tedros là nhà lãnh đạo có tính trung thực cao. Bà nói rằng trong thời gian ông làm Bộ trưởng Y tế Ethiopia, ông làm việc không mệt mỏi để giảm tỉ lệ tử vong nơi sản phụ, tỉ lệ lây nhiễm HIV/AIDS, sốt rét, lao phổi, và tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi.

“Ông chú tâm cao, chính xác cao. Ông quyết tâm trong việc tìm đối tác, hợp tác và ủng hộ,” bà nói.

Tuy nhiên ông Tedros từng bị chỉ trích vì vai trò của ông trong việc đối phó với dịch tả bùng phát tại Ethiopia trong khi ông làm Bộ trưởng Y tế. Trong nhiều năm, các giới chức Ethiopia báo cáo vụ bùng phát như là “tiêu chảy cấp tính” trong một nỗ lực rõ ràng nhằm giảm tính cách nghiêm trọng của dịch bệnh.

Một số nhà chỉ trích thấy có sự tương đồng giữa đáp ứng tại Ethiopia và đáp ứng hiện nay.

“Giai đoạn đó giống hệt lạ lùng với cách WHO đáp ứng với việc virus corona xuất hiện tại Trung Quốc,” ông Jilian Yang, chủ tịch Sáng kiến Quyền lực Công dân đối với Trung Quốc, và ông Aaron Rhodes, chủ tịch diễn đàn Tự do Tôn giáo Châu Âu, viết trong một bài xã luận đăng trên National Review.

Bà Senait tin rằng ông Tedros sẽ làm dịu cơn bão và là người đúng để lãnh đạo WHO.

“Sẽ có những chỉ trích. Không có nghĩa là Tiến sĩ Tedros là một người hoàn hảo. Điều tốt là ông là một người tự tin, tự chế. Ông luôn luôn muốn học hỏi, tăng tiến và cải thiện. Nhưng sự thật là một số tấn công nhằm vào ông trong lúc này không có căn cứ. Nhưng rất chính trị,” bà Senait nói.

(Nguồn BTV Salem Solomon)