Đại sứ Mỹ tại LHQ ca ngợi nỗ lực chống Ebola của quốc tế

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power tham dự cuộc thảo luận về khủng hoảng Ebola tại New York.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cho biết có “các dấu hiệu tích cực” từ ba quốc gia Tây Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Ebola và nói rằng đại dịch này rốt cuộc đã được ngăn chận. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Victor Beattie tường thuật, bà Samantha Power cho rằng các nỗ lực cứu trợ quốc tế cùng các chiến dịch nâng cao nhận thức đã góp phần làm cho đà lây nhiễm chậm lại.

Xuất hiện trên chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình Mỹ CBS, nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng nhờ có sự hiện diện của các quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng như một số thành phần của quân đội Mỹ, con số các vụ chôn cất an toàn đã “tăng vọt” lên tới 90% ở thủ đô Monrovia của Liberia. Bà Power cho biết hiện nay tỷ lệ chôn cất an toàn trong vòng 24 giờ đã lên tới gần 100% ở Sierra Leone.

CDC cho biết tới 70% các ca lây nhiễm virus Ebola mới đã xảy ra trong lúc chôn cất người tử vong vì virus này do chất dịch trong cơ thể họ vẫn còn bị nhiễm virus.

“Vì thế ta có thể thấy được sự khác biệt đến mức nào chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, cũng như việc cải thiện tỷ lệ chôn cất an toàn chỉ trong khoảng thời gian có 4-5 ngày nhờ có việc thiết lập trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hoa Kỳ và Anh ở Sierra Leone”.

Bà Power mới trở về sau chuyến thăm Liberia, Sierra Leone và Guinea. Bà nói rằng nhờ việc tuyên truyền mà ngày càng có thêm nhiều người nhận thức được về sự nguy hiểm của Ebola, và có sự huy động sự tham gia của xã hội tới các khu vực nông thôn tại tất cả ba nước vừa kể.

Bà nói rằng tỷ lệ lây nhiễm đang sút giảm tại những nơi có sự kết hợp của ba yếu tố: phòng xét nghiệm máu di động, đơn vị chữa trị và sự huy động xã hội.

Khi được hỏi về việc Canada quyết định cấm không cho các du khách từ Tây Phi nhập cảnh, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama tin rằng cách thức tốt đẹp hơn nhằm bảo đảm sự an toàn cho người dân Mỹ bằng cách xử lý vấn đề này tại gốc rễ thông qua việc tăng cường đưa các nhân viên chăm sóc y tế và những người tình nguyện tới khu vực:

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến sự đối phó với dịch bệnh, nhất là khi Hoa Kỳ và Liberia có mối quan hệ lâu bền cũng như tình hữu nghị tốt đẹp mà chúng tôi có với các nước đó. Và tôi có thể nói rằng một trong những điều tôi thấy người ta kinh ngạc đó là việc Tổng thống Obama ôm Nina Phạm, nữ y tá được chữa khỏi Ebola. Một trong các thông điệp mà tôi nghe thấy đó là, “Chúng tôi cần cả thế giới ôm chúng tôi như ông Obama đã ôm Nina Phạm. Và hiện giờ, Hoa Kỳ đang ôm ghì chúng tôi’, nhưng các nước khác cũng cần phải tăng cường nỗ lực”.

Bà Power nói rằng điều thực sự cần thiết nhất lúc này là các nhân viên chăm sóc y tế. Bà nói rằng các trung tâm chữa trị Ebola đang được Hoa Kỳ xây dựng chỉ đủ nhân viên trong vòng một tháng.

Bà nói rằng cần phải khuyến khích những cá nhân mà bà cho là “kiệt xuất” đó tới các khu vực ở Tây Phi, chào đón và đối xử với họ với sự tôn trọng và biết ơn khi họ trở về nhà.

Hiện có tranh cãi ở Hoa Kỳ về việc một số tiểu bang yêu cầu cách ly trong vòng 21 ngày đối với các nhân viên y tế trở về Mỹ từ châu Phi.

Nhà ngoại giao Mỹ nói rằng bà kiểm tra nhiệt độ cơ thể hai lần một ngày và phải báo cáo với cơ quan y tế của New York.