Đám tang

  • Nguyễn Hoàng

Đám tang

1.

Chúng tôi đến nơi không kịp. Anh cả tôi đã qua đời, khi chiếc xe đò thổ tả chở chúng tôi nằm bẹp dí ở Phan Thiết mấy tiếng đồng hồ. Dù sao chúng tôi cũng còn được nhìn mặt anh trước khi liệm. Ngôi nhà đó, nơi ba lần trở về tôi đã làm ba cuộc chia tay với những người thân yêu nhất đời tôi. Cha tôi chết trong cơn say. Mẹ tôi qua đời khi đứng giữa sân vươn tay hái chùm nhãn. Giờ đây ông anh cả tôi nằm chết ngay trên chiếc giường cha tôi đã nằm. Cả ba lần trở về quê, không lần nào tôi kịp nắm tay những người ruột thịt ấy để nghe được một lời trối trăn.

Còn gì đau xót hơn nhìn một người thân yêu nằm đó nhưng đã mất sự sống. Khuôn mặt ông anh tôi lúc này sao giống hệt khuôn mặt cha tôi ở cái ngày ông ra đi vĩnh viễn.

Xung quanh tôi mọi người sụt sùi. Ngôi nhà tràn ngập không khí lạnh lẽo. Mùi tử khí xông tận mũi tôi. Người chị dâu tôi hai con mắt đỏ hoe nhưng bình tĩnh. Hai đứa con trai lớn đang trong trại học tập chưa kịp hay tin cha các cháu đã qua đời.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Bên kia hàng rào là ngôi trường nữ tiểu học đâu lưng với ngôi trường nam tiểu học, nơi mà tôi từng cắp sách đến đó trong suốt thời thơ ấu. Sân cát sủi bụi mù trời trong những giờ ra chơi. Bọn con trai bên này, bọn con gái bên kia. Chúng tôi lớn dần lên, lớn dần lên mỗi ngày mà không biết. Một thầy giáo già chết. Một cô giáo qua đời. Một ông hiệu trưởng đổi đi. Tôi lớn lên mỗi ngày nhìn bao nhiêu biến cố tấp giật rồi tan biến, không khác nào những cơn sóng biển cứ đánh vào bờ cát dưới kia.

Đó là một ngôi nhà không mấy khang trang. Chỉ có cái sân trước là coi được nhờ mấy cây mãng cầu, hai cây nhãn lồng và những tấm gạch thẻ màu đỏ. Tôi lớn lên rồi đi xa, nhưng cây cối trong sân nhà sao vẫn cứ như vậy hoài. Những tấm gạch thẻ màu đỏ trong sân có mòn đi, bóng lưỡng, nhưng ngôi nhà kia mỗi ngày một nhỏ đối với tôi. Lần trở về này, tôi thấy hình như nó còn nhỏ và chật hơn những lần trước.

Quỳnh đốt nén nhang đưa tận tay tôi ra dấu lạy trước quan tài người anh cả. Tôi thấy mắt Quỳnh ướt sũng đỏ hoe.

Đám tang ngoài tiếng khóc chỉ là sự im lặng. Chị dâu tôi chít khăn cho cả nhà, xếp đặt từ đầu chí đuôi. Còn tôi, cứ ngồi đó. Tôi thấy mình đã kiệt. Như máu không còn chảy trong cơ thể tôi. Trong nhiều năm nay, tôi coi ông anh cả tôi như là người cha. Mặc dầu anh chị còn có cả một đàn con, và mặc dầu tôi có công ăn việc làm, nhưng tôi không làm gì mà không hỏi anh. Và nếu anh phải làm một điều gì trái ý anh, chỉ là vì tôi. Anh mạnh bạo và quyết liệt. Giống như cha tôi, anh thường nói “thằng này không sợ thằng nào, có súng thì dùng súng, có dao thì chơi dao”. Nhưng anh là người rộng lượng bao dung như một ông Bụt, anh hào phóng như một công tử. Khi chưa bị bệnh, anh là một sĩ quan mà không một thuộc hạ nào ghét. Anh yêu những người lính của anh như yêu anh em ruột thịt mình. Bạn bè anh mỗi lần gặp tôi đều nói tôi là người may mắn có một ông anh khí khái. Anh phản ứng nhanh trong tình cảm, nhưng anh là người nguội lạnh nhanh trong giận dữ. Anh yêu tất cả mọi người. Đám em của anh, trong đó có tôi, chẳng đứa nào bằng gót chân anh về tính bao dung. Trong đám con cái anh, chẳng có đứa nào bằng móng tay anh về lòng quảng đại.

Đám tang anh tuy vậy mà đông người đưa ngoài sức tưởng tượng của tôi. Những bà bạn của chị dâu tôi chiếm chật sân nhà, đám bạn học nhỏ của mấy đứa con gái nhỏ của anh bu quanh dưới gốc cây nhãn. Hai đứa con trai không có mặt để tang cha vì cả hai đã nằm trong trại cải tạo. Và không có một đồng đội nào của anh đến tiễn đưa. Bởi vì tất cả đều nằm ở một nơi nào đó trong lao tù của chế độ mới.

Ngôi mộ anh nằm trên lưng chừng một ngọn núi đá thấp ngó ra biển. Tôi ngồi trên một tảng đá ngó xuống con đường phía dưới. Tôi có cảm tưởng như thiên nhiên cũng đang chết trong sự quạnh hiu. Cả mặt biển xanh đằng xa kia cũng đứng lại như trong một bức tranh, và con đường không bóng xe như một nét vẽ vô tình của người họa sĩ bị rơi một vệt màu sáng trên nền thẫm kéo dài thành một con đường bất ngờ. Đến như ngọn gió cũng đông lại không còn thổi nữa. Tôi bứt một cọng cỏ cho vào miệng. Ngọt. Tôi có cảm giác ấy. Trời ơi! Tôi nghe tiếng kêu của chính tôi, và tôi thấy mình khóc.

“Không được! Không được!” Tôi nghe trong tôi có tiếng ai đó nói, “Đừng khóc! Đừng khóc!” Tôi khám phá ra những lời căn dặn ấy trong đầu tôi. Nhưng mà nước mắt tôi cứ ứa ra, ràn rụa, ướt đẫm mặt mũi tôi. Như một người đứng bên trong cửa kính ngó ra, cảnh vật bên ngoài dưới một trận mưa tầm tã, tôi thấy chị dâu tôi lăn lộn bên mộ chồng. Hai tay chị cào cấu đất cát như muốn đòi anh lại, đòi lại con người đã từng ăn nằm với mình bao nhiêu năm tháng, đã từng chia ngọt sẻ bùi với mình, đã từng cho mình những đứa con, đã gửi thịt xương mình vào lao tù của chế độ mới, chỉ để lại cho gia đình một nhà toàn đàn bà con gái. Tôi thấy bóng Quỳnh nhoà nhạt cúi xuống ôm cánh tay chị. Bên cạnh là cháu Thùy, con gái lớn chị, cũng đang ôm chặt lấy mẹ. Cả ba người đàn bà bên một ngôi một mới đắp, dưới một bầu trời chiều chập chùng mây, trên lưng chừng một ngọn đồi ngó ra biển ngoài kia vẫn xanh như đã từng xanh…Nhưng tất cả đều như bị mềm nhũn, gẫy ra, tan thành những lượn sóng.

"Không phải! Không phải!"

Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hoá thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi. Tôi đứng dậy, đến gần bà chị dâu, đặt tay lên vai chị. Tôi biết mọi lời nói của mình lúc này là thừa thãi.

2.

"Mở cửa! Mở cửa mau!" Tôi nghe tiếng kêu cửa dồn dập, có cả tiếng đập khá mạnh vào mặt gỗ. Cả nhà đang ngồi quanh phòng khách, nơi mà hồi sáng đây còn chiếc quan tài của ông anh tôi đặt ở giữa. Bà chị dâu tôi đang nhắc tới những kỷ niệm của chồng, những nổi khổ đau mà anh đã để lại cho chị trong suốt những tháng năm làm vợ của một người đàn ông hào sảng. Chị kể lễ những lỗi lầm của người chồng với một giọng tha thứ chua xót.

Tiếng đập cửa khiến không khí ngừng lại.

Tôi đứng dậy, đến áp tai vào mặt gỗ.

"Ai đó?" Tôi hỏi.

"Công an đây. Mở cửa kiểm tra hộ khẩu."

Tôi kéo chốt cửa, mở hé, nhìn ra ngoài, nhưng một bàn tay đã xô mạnh làm bật tung cánh cửa. Ba người bước vào nhà. Ngoài sân có tiếng người nói chuyện. Mấy đốm sáng của đầu điếu thuốc lập lòe dưới gốc cây nhãn.

"Chú Hòe! Có chuyện gì vậy chú Hòe?"

Bà chị dâu tôi đứng dậy tiến đến gần một người đàn ông nhỏ con, da xanh mướt.

"Trước hết, chúng tôi đến chia buồn với gia đình."

Người đàn ông tên Hòe giọng không chút tình cảm, hai tay y chắp lại thả xuôi. Hai người đứng bên cạnh, mặt lạnh như tiền, ngó quanh phòng, quan sát.

Cả nhà bỗng nhiên, không ai bảo ai, đồng loạt đứng dậy. Cháu Thùy nói vào tai tôi:

"Chú ơi! Nó là công an khu vực đấy."

Quỳnh ôm con đứng sát vào chị Thúc.

"Xin cám ơn!" Chị Thúc trả lời. "Mời chú Hòe và các ông ngồi!"

Chị nói nhưng nhìn quanh phòng khách không thấy có chiếc ghế nào. Tất cả đều được dời ra phòng sau để lấy chỗ cho mọi người họp gia đình và ngủ luôn trên sàn nhà.

"Không sao!" Hòe trả lời. "Chúng tôi đứng cũng được. Tôi muốn hỏi anh chị này là ai?" Hòe hướng ánh mắt về phía tôi và Quỳnh.

"Đây là chú Thăng và vợ chú, Thăng là em ruột nhà tôi." Chị Thúc trả lời, giọng bình tĩnh.

"Sao chị không khai báo với công an là nhà có khách?" Y quay về phía tôi, "Anh chị cho coi giấy đi đường!"

Tôi nhìn Quỳnh đang ôm chặt con vào lòng. Quỳnh cũng đang nhìn tôi. Chúng tôi đi gấp quá, không kịp xin giấy đi đường. Chúng tôi mua vé xe đò chợ đen. Để xin được cái giấy đi đường, thường phải chờ một ngày. Và lại xin giấy đi đường cho cả gia đình về miền biển, công an phường còn phải điều tra, có khi phải đưa lên công an quận xét mới cấp được. Như vậy làm sao tôi về nhà cho kịp.

"Tôi không có giấy đi đường." Tôi ngập ngừng thú nhận.

"Vậy anh chị đi bằng cách nào? Có phải anh chị là người ở thành phố Hồ Chí Minh không?" Hòe hỏi dồn.

"Phải." Tôi trả lời.

"Hiện nay anh chị công tác ở cơ quan nào?" Hòe hỏi tiếp.

"Tôi dạy học, nhưng nay đã chuyển ngành." Tôi không muốn nói là mình xin nghỉ. Tôi không hiểu tên Hòe này muốn gì.

"Tôi hỏi hiện nay anh đang công tác ở cơ quan nào?" Hòe không buông tha tôi.

"Tôi lái xe ủi đất ở một công trường dưới Minh Hải." Tôi nói.

"Cho tôi coi giấy tờ?" Người đàn ông mặt lạnh như tiền đứng bên cạnh Hòe chìa tay về phía tôi.

Tôi cho tay vào túi tìm cái bóp.

"Đây mà anh!" Quỳnh đưa cái xắc tay cho tôi. Giấy tờ anh trong đó!" Tôi nhớ cái thẻ công nhân viên do ông Công cấp. Ông Công là một nhà thầu xây cất trước Bảy Lăm. Khi Sài Gòn mất, ông mang tất cả các dụng cụ máy móc xe cộ hiến cho chế độ mới, nghĩ rằng sẽ được yên thân. Tại Bạc Liêu, một nhà thầu xây cất chung cư dang dở đã xuống thuyền ra khơi. Tỉnh ủy khuyến cáo ông Công nên tiếp tục công việc mà người thầu trước bỏ dở. Cả gia đình ông kêu gọi người quen, người có nghề hay người không nghề, họp nhau lại - xuống Bạc Liêu tìm chỗ nương thân. Sau khi tôi xin nghỉ dạy, tôi đã tìm cho mình chỗ tá túc này. Đầu tiên là mua một thẻ công nhân viên qua một trung gian giá một trăm sáu chục đồng, tiền của chế độ mới. Kế đó là cầm thêm trong tay tờ giấy đi đường Sài Gòn - Bạc Liêu, ghi sẵn là thành phố Hồ Chí Minh - Minh Hải. Ông Công thường tổ chức cho bọn công an ở đây ăn nhậu. Ông chuẩn bị những chuyến vượt biển, lúc đầu hơi e dè và sau gần như là công khai. Ông chia chác với bọn chúng, đúng ra ông đã mua gần như tất cả bọn biên phòng. Tuy vậy cũng có nhiều chuyến ông bị trở mặt. Hai đứa con ông bị bắt trong một chuyến được coi là an toàn nhất. Ông Công đã chạy vạy khắp nơi vay vàng chuộc cả đám. Tôi đi hụt hai chuyến, và đó là những chuyến ông Công cho thấy tài tổ chức tuyệt vời của ông.

Tôi mở xắc tay của Quỳnh lấy tấm thẻ công nhân viên đưa cho tên đứng cạnh Hòe. Y cầm lấy nhưng không buồn ngó đó là giấy tờ gì, bỏ tấm thẻ của tôi vào túi.

"Tôi cần kiểm tra lại giấy tờ của anh chị. Đến mai mời anh chị xuống công an phường làm việc." Ngừng một giây, không cần đợi phản ứng của tôi, y tiếp: "Thay mặt tỉnh ủy, tôi xin thông báo cho chị Thúc biết là kể từ hôm nay, ngôi nhà này được đặt dưới quyền quản lý của nhà nước."

Hòe đứng lui về phía sau. Bà chị dâu tôi hơi rùng mình. Hai tay chị bám lên vai Quỳnh như sắp ngã.

"Trời ơi!" Tôi nghe tiếng kêu thảng thốt của chị.

"Chú Hòe, sao có chuyện gì lạ vậy?"

Tôi bỗng nghe thấy chị gượng lại không đầy một tích tắc. Chị đứng sững.

Tên cán bộ đứng bên Hòe lên tiếng.

"Hồ sơ bên công an gửi lên Sở Nhà Đất cho biết ngôi nhà này do chồng chị, một sĩ quan ngụy, đã bóc lột, tham nhũng hối lộ của nhân dân xây cất lên. Tài sản của nhân dân phải trả lại cho nhân dân. Lẽ ra khi cách mạng về, nhà nước đã phải tịch biên ngôi nhà này, nhưng do chủ trương khoan hồng của đảng và nhà nước ta trong tình hình bệnh tật của chồng chị, chúng tôi đã để yên cho anh chị có chỗ tá túc. Bây giờ anh ấy đã chết, ngôi nhà này cần phải được thu hồi để trả lại cho nhân dân."

"Ông nói cái gì của nhân dân? Nhân dân nào?"

Chị dâu tôi hỏi, mặt tái đi vì giận. "Mấy ông có biết vợ chồng tôi lấy nhau, làm việc trong bao nhiêu năm trời mới mua được miếng đất này không? Mấy ông có biết bao nhiêu năm dành dụm chúng tôi mới cất được cái phòng khách này, căn bếp kia không? Mấy ông có biết các con tôi, mỗi đứa đã nhịn ăn nhịn mặc như thế nào để góp cho chúng tôi mua từng viên gạch lót nhà này không? Mấy ông đuổi mẹ con tôi ra khỏi cái nơi do mồ hôi và nước mắt của gia đình tôi đổ xuống để dựng lên mà nói là của nhân dân hả? Nhân dân nào?..." Chị Thúc nói, mắt ráo hoảnh, hai bàn tay nắm chặt.

"Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền. Làm tới phó quận mà không hối lộ tham nhũng à? Con chị làm tới đại úy cảnh sát mà không ác ôn à? Nhưng chị không thấy là chính quyền cách mạng đã khoan hồng hay sao khi để cho chồng chị một sĩ quan ngụy mang cấp tá mà không phải đi học tập lấy một ngày?"

"Khoan hồng?" Chị hỏi. "Bộ mấy ông muốn khiên một người sắp chết, tay chân tê liệt, không cử động được đưa vào tù mới là đúng sao? Bộ mấy ông giam cả những người tù hấp hối sao?"

"Chị Thúc!" Tiếng Hòe kêu, "Chị có im đi không! Có phải chị muốn chống lại chính quyền cách mạng không?"

"Mấy ông nói như vậy là thế nào?" Tôi hỏi.

"Anh không được quyền phát biểu." Tên cán bộ giữ tấm thẻ công nhân viên của tôi trong túi nói như ra lệnh. "Chúng tôi sẽ làm việc với anh sau."

"Nhưng gia đình chúng tôi có tội tình gì chứ?" Quỳnh hỏi, hai tay ôm chặt con vào lòng.

"Một gia đình phản động chưa đủ là cái tội sao?" Hòe nói.

"Trời ơi! Trời ơi!" Tôi nghe tiếng bà chị dâu rên rỉ.

"Nhà nước có đuổi gia đình chị ra đường đâu mà chị kêu trời. Chúng tôi đã tìm cho chị một căn nhà nhỏ dưới chợ. Tạm thời chị cứ dọn về đó. Ngày mai phường sẽ mang giấy tờ lại cho chị ký. Còn anh chị đây," y tiếp, mắt nhìn về phía tôi, "mai xuống công an phường làm việc. Chúng tôi muốn biết anh chị có ý đồ vượt biên hay không?"

Cả ba quay lưng bước ra cửa sau khi Hòe chấm dứt lời đe dọa.

Tôi đứng ở cửa ngó ra sân đêm. Những đốm lửa của đầu điếu thuốc dưới gốc cây nhãn đã biến mất. Tiếng nói cười của đám công an cán bộ xa dần tan loãng ngoài mặt đường.

Bên trong nhà mấy ngọn bạch lạp cháy bập bùng. Mọi người đã tắt tiếng khóc. Không khí chùng hẳn xuống như thể một chiếc bong bóng bị xì hơi.

Những người chết đã chết. Những người sống đang phải cúi xuống gánh tiếp những tai ương còn đầy rẫy trong một thời đại của "Chủ Nghĩa".

Bụi & Rác - Chương Tám


* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.