Đau ngực

Ảnh minh họa

Thính giả Nguyễn Tấn Trung, sinh năm 1978, ở Cần Thơ, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Thời gian từ tháng 6 - 12/2014 khi ngủ vào ban đêm tôi hay bị vọp bẻ chân, kéo dài. Tình trạng huyết áp bình thường. Tôi vẫn chơi thể thao, tập đi bộ, có hút thuốc nhẹ, bia rượu nhẹ. Tiền sử gia đình tôi không có ai mắc bệnh tim hay cao huyết áp.

Tháng 2/2015, tôi bị lói ngực khi dẫn xe Honda lên nhà.

Tháng 9/2016, tôi đi bán hàng ở xã thì thấy trong người khó chịu, mặt đỏ rần, đo huyết áp kết quả 160/98.

Tôi đã đi xét nghiệm tại các nhiều bệnh viện khác nhau, và tôi có một số câu hỏi đang lo lắng, xin Bác sĩ giải đáp giùm:

  1. Tôi có nguy cơ nhồi máu cơ tim hay không?
  2. Tại sao một số kết quả điện tim cho rằng tôi có nguy cơ nhồi máu cơ tim?
  3. Tôi cần xét nghiệm thêm bằng những kỹ thuật gì khác nữa không?

Xin cảm ơn Bác sĩ.”

Your browser doesn’t support HTML5

Đau ngực

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Đau ngực

Bịnh nhân 39 tuổi, vẫn mạnh khoẻ, sinh hoạt thể dục thể thao bình thường. Trên 3 năm trước, đau ngực lúc đẩy xe Honda, đi chụp hình mạch máu tim bình thường. Sau đồ, đi check-up và thử thấy nhồi máu tim trên tâm điện đồ (ECG). Từ đó, bịnh nhân và gia đình vẫn lo vấn đề nhồi máu tim, áp huyết khi lên khi xuống, đo tim, siêu âm và thử nghiệm nhiều lần, bác sĩ cho thuốc hạ áp huyết (losartan, diovan, amlodipin, CoAprovel), thuốc an thần (Sulpirid, an antipsychotic), thuốc hạ axit bao tử (esomeprazol), và các bác sĩ đều nói bịnh nhân không có bịnh tim.

Vì không thể trả lời cho trường hợp cá biệt, tôi xin có vài nhận xét với tính cách hoàn toàn thông tin:

1) Có nhiều lý do để đau ngực, ngoài việc đau tim do nhồi máu cơ tim. Ở người trẻ tuổi, trước đó mạnh khoẻ, cơ nguy thấp hơn người già. Nếu các bác sĩ chuyên môn về tim đã khảo sát kỹ như vậy qua thời gian 2 năm và vẫn kết luận là "yên tâm, không có gì" thì chắc cơ nguy lại càng ít hơn nữa.

Nếu một người trung niên mạnh khỏe bị đau ngực lúc đang đẩy một chiếc xe gắn máy, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là đau xương khớp. Các xương sườn nối liền với xưng ức (sternum) bằng những khớp sụn, đôi khi các khớp này bị viêm (costochondritis), bịnh nhân đau lúc làm việc nặng, đẩy mạnh, xoay người, hít sâu vào. Các khớp này nằm dọc theo hai bên xương ức nên cho cảm tưởng như đau ngay tim, hay đau tim. Nếu đè vào khớp, hoặc hít sâu, xoay người có thể tạo nên cơn đau như vậy, và giúp xác nhận nguồn gốc cơn đau.

2) Huyết áp có thể lên cao lúc lo âu, hồi hộp, sau khi tập thể dục, lúc vào phòng mạch bác sĩ gặp người "áo trắng" (white coat syndrome"). Nếu huyết áp cao thật sự, phải uống thuốc đều đặn và lâu dài, mục đích là để che chở các mạch máu và các bộ phận như óc, mắt, thận. Nếu mấy tháng sau khi ngưng thuốc, áp huyết vẫn bình thường, nhất là bác sĩ chuyên về tim đã bảo yên tâm, có lẽ chỉ cần đi khám định kỳ là được. Cần một bác sĩ gia đình theo dõi cho mình, nhất là giúp giải toả cái lo âu của mình. Nếu mình tự tìm hiểu lấy, có thể càng lo thêm. Y khoa có thể giống như một cái rừng, người không kinh nghiệm thực hành mà chỉ đọc sách, bài internet cũng giống như đi thám hiểm mà chưa biết dùng bản đồ, có thể làm mình bối rối, quýnh thêm, và càng đi lạc hơn nữa.

3) Về chuyện 2 nơi đo tâm điện đồ (EKG) đều cho rằng có nguy cơ nhồi máu cơ tim (tháng 2-6/2015), có thể các máy này có chương trình điện toán theo một "paradigm" giống nhau, nên diễn giải tâm điện đồ giống nhau, nhất là nếu kỹ thuật của chuyên viên đo không chuẩn (như lau sạch da, dùng các điện cực tốt, đúng vị trí). Quan trọng nhất vẫn là ý kiến của bác sĩ chuyên khoa như thế nào, có đồng ý với kết quả của computer hay không. Nói chung, máy đo tim đọc kết quả tự động (có chương trình computer trong máy) căn cứ trên thay đổi của một khúc đoạn tên ST được nâng cao hơn bình thường (ST elevation), rất ít khi đọc sai các thay đổi báo hiệu nhồi máu cơ tim, hay cơ tim thiếu oxy cấp tính. Tuy nhiên cần so sánh với thực tế bịnh nhân. ECG có thể cho kết quả dương sai về thiếu máu tim, hay nhồi máu cơ tim trong 1-2% trường hợp (false positive). Một nghiên cứu ở một bịnh viện ở Florida (Tampa Bay Heart Institute) cho thấy 1/3 false positive (38/120 cases) ở các bịnh nhân được thông tim (cardiac catheterization) sau khi kết quả bất thường trên ECG (ST elevation myocardial infarction (STEMI) đã được bác sĩ tim hay bác sĩ phòng cấp cứu thông qua. (https://www.dicardiology.com/article/technical-factors-involved-false-positive-ecg-stemi-diagnoses)

Dù sao thì các ECG bất thường này của bịnh nhân cũng được làm cách đây khá lâu, gần 2 năm. 2 lần làm sau đó thì có vẻ OK.

4) Trong các thử nghiệm không thấy làm stress test, có thể bác sĩ thấy không cần. Tuy nhiên, xin nhắc lại, tốt hơn hết là nhờ một bác sĩ gia đình hay bác sĩ tim theo dõi và giải quyết các câu hỏi hay vấn đề nếu có. Nhiều khi, bịnh nhân có nhiều phương tiện thử nghiệm trong tầm tay cũng là một điều không tốt. Các thử nghiệm luôn luôn có những kết quả dương tính sai, càng thử nhiều lại càng có khả năng gây ra lo âu và nhu cầu thử thêm nữa (cascade effect). Ví dụ, ở Mỹ hiện nay người ta khuyến cáo đừng làm tâm điện đồ lúc bịnh nhân đi khám tổng quát cũng trong chiều hướng đó.

5) Chứng co rút bắp thịt xảy ra lúc một cơ bắp, hay một phần của cơ, hay một nhóm cơ co lại, rút mạnh, ngoài ý muốn và không giãn ra được. Có thể kéo dải chừng vài giây đến 15 phút, đôi khi lâu hơn. Có thể tái đi tái lại nhiều lần. Chứng này gặp ở trẻ con cũng như người lớn, nhưng ít thấy ở trẻ em, và càng lớn tuổi càng bị nhiều hơn. Nhiều nhất là ở tay chân, tuy nhiên các nhóm cơ bắp khác ví dụ ở cổ, bụng đều có thể co rút đau. Chân cẳng co rút ban đêm (Nocturnal leg cramps) xảy đến cho chừng 50% người trên 50 tuổi, và trong đó một trong mười người đau mỗi đêm. Đại đa số chỉ đau ban đêm. Đau ở ngón chân, bắp chuối, hoặc bắp đùi, làm mất ngủ.

Lý do: dây thần kinh trở nên quá nhạy cảm và kích thích bắp thịt cho co lại dù người bịnh không cố ý.

Nguyên nhân co rút bắp thịt:

1) Thương tổn, chấn thương, các bắp cơ co lại để che chở vùng bị hư hại.

2) Các cơ bị mệt do làm việc quá nhiều, quá lâu, hay bị giữ trong một tư thế bất bình thường (ngồi ẹo qua một bên, nhón gót lâu để với lên, làm việc gì trên cao).

3) Co rút lúc đang nghỉ ngơi (rest cramp), ngủ, nhất là vừa làm một động tác làm cơ ngắn lại; ví dụ duỗi các ngón chân về phía dưới, cơ bắp chuối (calf muscle=gastrocnemius muscle+soleus muscle) co lại và rút luôn vào, đau, không tự giãn ra.

4) Cơ thể thiếu nước do mồ hôi lúc trời nóng, thể thao, làm việc; do uống thuốc lợi tiểu (vd để trị bịnh cao huyết áp), uống nhiều trà, cà phê làm đi tiểu nhiều, bịnh đái tháo đường (diabetes); người ít uống nước vì sợ phải đi tiểu.

5) Nói chung mức sodium (natrium), calcium, magnesium trong máu thấp có thể làm cơ dễ co rút. Nguyên nhân calcium máu thấp thường gặp nhất là do thiếu vitamin D. Người có bầu, người già dễ thiếu calcium, magnesium. Người thở quá nhanh do lo (anxiety), hồi hộp, xúc động có thể làm mức calcium trong máu giảm xuống một cách giả tạo và bắp thịt co rút.

6) Những người bịnh xơ gan (liver cirhosis) gây ra ứ nước trong phúc mạc (ascites; phúc mạc= màng bụng), nước phối trí bất bình thường; ở người suy thận, tình trạng nước trong cơ thể bị thay đổi thất thường: những người này hay bị co rút bắp thịt.

7) Co rút bắp thịt có thể do một số thuốc gây ra: thuốc trị bịnh cao huyết áp (như nifedipine= "Procardia"), trị bịnh Alzheimer (Aricept), bịnh suyễn (albuterol, terbutaline), bịnh Parkinson (tolcapone=”Tasmar”), bịnh myasthenia gravis (bịnh làm yếu các cơ, thuốc prostigmin).

8) Co rút (cramps) cũng có thể xảy ra khi ngưng (withdrawal) thuốc an thần, ngưng uống rượu.

9) Thiếu vitamin B1, B5, B6.

10) Các mạch máu bị xơ vữa (atheroslerosis) nghẹt đem máu đến không đủ, làm bắp chuối chân bị đau (claudication) lúc đi bộ được một khoảng xa nào đó, cơn đau giống như bị co rút cơ, "vọp bẻ". Tuy nhiên, đau này do lactic acid và một số hoá chất khác, không phải do bắp thịt co rút (muscle cramps), cần cảnh giác về vấn đề này và nhờ bác sĩ khám bịnh.

Chữa trị:

Đứng dậy, đi lui đi tới cho bắp cơ liên hệ giãn ra (ví dụ trong trường hợp co rút bắp chuối).

Có thể đứng, hai tay dựa vào vách, đưa hai chân ra xa, giữ gót chân dính mặt đất, mục đích duỗi, giãn bắp thịt phía sau cẳng chân (stretch calf muscle).

Hay nằm xuống, duỗi chân thẳng ra, kéo hai ngón cái về phía mình.

Co rút bàn tay: áp bàn tay xuống bàn, các ngón duỗi ra, đè trên các ngón.

Có thể massage, đắp nước nóng.

Nếu thiếu muối, thiếu nước (ví dụ như mổ hôi ra quá nhiều) uống nước có muối natri, kali như chanh muối,Gatorade, Pedialyte cho trẻ em..

Phòng ngừa:

1) Tập thể dục, tập duỗi, giãn các bắp cơ nhiều lần trong ngày, như đã giải thích trong phần chữa trị. Có thể làm giãn cơ vài lần lúc dậy đi tiểu ban đêm. Tránh nằm, ngồi ở thế không ngay ngắn, làm các bắp thịt không thoải mái.

2) Cần lượng calcium đầy đủ trong thực phẩm (uống sữa, ăn đẩu nành, chao). Có thể uống thêm calcium 1-1.50 gram mỗi ngày. Một số người cần uống thêm magnesium, nhưng cần hỏi bác sĩ của mình vì người suy thận magnesium có thể ứ đọng, mức trong máu có thể lên quá cao.

3) Nhớ uống nước đầy đủ, chừng 1,5 -2 lít nước mỗi ngày, nhất là nếu làm việc trời nóng nực, ra mồ hôi nhiều.

4) Người già có thể quên uống nước cho đủ vì không thấy khát. Ở Mỹ, người ta thường khuyên uống 6-8 ly nước mỗi ngày (24 giờ) cho người trung bình chừng 70-80 kg, tuy nhiên người nhỏ con, nhẹ ký hơn phải điều chỉnh lượng nước thấp hơn, cũng như người bịnh phải uống ít nước, phải theo hướng dẫn giới hạn lượng nước của bác sĩ mình.

5) Những khảo cứu gần đây cho thấy khá đông đàn ông ở Sài Gòn cũng như Hà Nội thiếu vitamin D trong máu. Ở đàn bà thì tỷ số thiếu vitamin D cao hơn. Nếu có phương tiện thì đo mức calcium, vitamin D trong máu xem có thấp không.

Ra nắng để giúp da tạo nên vitamin D.Trên lý thuyết, nếu ra nắng vài phút mỗi ngày lúc thời tiết tốt có thể giúp cơ thể cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết.

Uống vitamin D thêm, hay ăn những thức ăn giàu vitamin D (salmon, mackerel, tuna, catfish, fish liver, fish oil).

Nếu có phương tiện, người ta đo mức vitamin D trong máu (25 OH D) và cố gắng giữ trên 30 ng/ml. Ở ngoài nắng đủ lâu để da phỏng nhẹ (mild sunburn) cũng giúp cơ thể chúng ta tạo ra đơn vị mỗi chừng 20,000 đơn vị vitamin D. Chúng ta (người lớn, 19-65 tuổi) cần chừng 600 ngày (thức ăn hoặc uống thuốc bổ), trên 71tuổi: 800 units/ ngày. Mức an toàn chừng dưới 4000 units/ ngày (The Endocrine Society, Practice Guideline, 2011). Ở Mỹ, trong sữa uống, trong một số nước cam có thể nhà sản xuất có tăng cường thêm vitamin D. Các viên thuốc 'bổ' có thể cung cấp cho cơ thể những nhu cầu căn bản về vitamin cũng như các chất khoáng.

6)

  • Có một số người dùng vitamin E (400 đơn vị/ngày), có thể giảm các cơn co rút bắp cơ.
  • Trước đây người ta thấy quinine (kí ninh) rất hiệu nghiệm cho bịnh này. Tuy nhiên vì biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trên nhịp tim và tế bào máu, cơ quan quản trị thực phẩm và thuốc Mỹ (FDA) từng cảnh báo không dùng quinine cho bịnh này.
  • Ở Mỹ một số bịnh nhân uống "tonic water" có chứa lượng quinine nhỏ (theo FDA < 83mg/lit, vd: Canada Dry, Fever Tree, Q Tonic).
  • Trường hợp cần dùng thuốc, một số bác sĩ cho dùng thuốc Benadryl (diphenhydramine 12.5mg-50mg) trước khi đi ngủ, dùng chloroquine (thuốc trị sốt rét, có thể làm hư mắt), hay gabapentin ( thuốc tác dụng trên hệ thần kinh).

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 24 tháng 4 năm 2017

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.