Điểm qua hai nhân viên tình báo Mỹ bỏ trốn trước đây

Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc

Edward Snowden, cựu nhân viên làm theo hợp đồng với Cơ quan An ninh Quốc Gia NSA của Hoa Kỳ đã được tỵ nạn tạm thời tại Nga trong một năm. Dịp này, Thông tín viên VOA Andre de Nesnera xem lại hai nhân viên NSA khác đã đào tẩu tới Liên Bang Xô Viết hơn 50 năm trước đây.

Hai ông William Martin và Bernon Mitchell là đồng nghiệp tại NSA vào cuối thập niên 1950. Họ làm trong một lĩnh vực kỹ thuật cao, được biết tới là ngành mật mã. David Barrret, một chuyên viên an ninh quốc gia tại trường đại học Villanova, nói rằng trong khi làm việc, hai chuyên viên trẻ tuổi Martin và Mitchell có dịp tiếp xúc với những tài liệu tối mật.

“Thí dụ, họ bắt đầu phát hiện rằng không phải NSA chỉ nghe các vụ thông tin liên lạc của các nước ngoài đang là phe địch hay đối thủ, ví dụ như Liên Xô, mà NSA còn theo dõi các vụ thông tin liên lạc của các nước đồng minh với Mỹ. Và họ cho rằng điều này mang tính xúc phạm sâu xa và hoàn toàn sai trái.”

Ông Barrett nói rằng, hai người này cũng biết chính phủ Mỹ kiểm tra và đọc các lá thư từ các nước khác tới Mỹ.

Hơn 50 năm sau, Edward Snowden cũng làm cùng một chuyện như vậy.

Ông Barrett nói rằng, Martin và Mitchell đã quyết định hành động:

“Họ toàn vỡ mộng không phải chỉ với NSA mà cả với chính phủ của Tổng thống Eisenhower. Họ nghe những luận điệu lý tưởng mà Tổng thống Eisenhowe, sử dụng trong các bài diễn văn của ông trước công chúng, và so sánh với những gì họ biết chính phủ đã làm, và vì thế họ bỏ trốn sang Liên Xô.”

Hồi tháng Tư năm 1960, hai ông Martin và Mitchell nói với cấp trên của họ rằng họ đi nghỉ hè một tháng để thăm gia đình và bè bạn. Nhưng thay vào đó, họ đã đi qua Moscow qua ngả Mexico và Cuba.

Khi họ không quay về sau kỳ nghỉ phép, các cấp trên của họ bắt đầu nghi ngờ. Ông Barrett nói rằng, hai tháng sau, NSA đưa ra một thông cáo nói là hai “chuyên viên toán học” của họ có lẽ đã đào tẩu sang phía Bức màn Sắt.

“Nhưng họ nói rằng không cách chi mà hai anh chàng này có thể làm gì hại cho an ninh của Hoa Kỳ. Và như vậy vụ này được xử lý như một sự cố nhỏ, và lúc ban đầu, báo chí cũng chấp nhận câu chuyện đó là một sự cố nhỏ.”

Vào ngày 6 tháng 9 năm1960, hai ông Martin và Mitchell đã mở một cuộc họp báo tại Moscow. Ông Barrett nói khi đó “các thông tin về NSA đổ ra ào ạt.”

“Những thông tin đó đã trở thành tài liệu công khai cho biết NSA là gì, và cơ quan này đang làm gì. Thành thật mà nói thì trước khi có cuộc đào tẩu này hầu như công chúng không ai biết gì về NSA. Và những người dân trong vùng Washington có biết cơ quan này tồn tại thường nói đùa rằng NSA là viết tắt của ‘No Such Agency’ tức là không có cơ quan nào như thế.”

Ông Barrett nói rằng Tổng thống Eisenhower gọi hai người đào tẩu này là “những người tự xưng là kẻ phản bội,” còn Tổng thống Truman nói rằng “họ cần phải bị mang ra bắn.”

“Martin và Mitchell không cung cấp nhiều thông tin cho Liên Xô sau khi sang đó được vài tháng hay có thể một năm. Họ trở thành những người sống lưu vong tại Liên Bang Xô Viết. Họ đã chọn Liên Xô một phần vì nghĩ rằng đó là một thiên đường của người lao động. Họ nghĩ nó sẽ là một nơi tuyệt vời để sống. Nhưng câu chuyện sau đó không thật sự là một câu chuyện có kết thúc tốt đẹp, bởi vì họ đã vỡ mộng với cuộc sống ở Liên Xô và biết đó không phải là một thiên đường.”

Ông Peter Savodnik, người đã viết về những người đào thoát, nói rằng hai ông Martin, Mitchell, và nhiều người khác, không giống chút nào so với những người Mỹ đã quyết định dọn nhà sang Liên Xô trong các thập niên 1920 và 1930.

“Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, khoảng từ 1947 đến 1991, nhóm này có vẻ là một nhóm người buồn bã hơn. Họ có cảm tưởng họ là những người khác với xã hội đang sống, họ nghĩ mình là những người có lý tưởng đứng giữa biển. Nhưng Liên Xô không cho họ thấy một ngọn hải đăng hy vọng, mà chỉ chỉ biến họ thành những người muốn thoát ly.”

Ông William qua đời năm 1987 ở tuổi 56 và ông Mitchell từ trần năm 2001 ở tuổi 72.