Diễn tiến mới trong vụ tham nhũng tiền nhựa polymer ở Úc

  • Ngọc Hân

Securency và NPAđã được thiết lập để vận động tiếp thị và thực hành công tác in tiền nhựa polymer cho khoảng 30 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, Malaysia, và Indonesia.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe bài tường trình


Vụ tai tiếng và các cáo buộc tham nhũng liên quan đến chương trình tiếp thị tiền nhựa polymer do Ngân hàng Trữ kim RBA của Australia phát minh có vẻ như mỗi ngày một thêm mở rộng và phức tạp, có thể dẫn đến nhiều truy tố mới.

Trong mấy tháng qua, một Tòa Sơ Thẩm tại Melbourne đã bắt đầu xét xử sơ khởi 8 viên chức hoặc cựu viên chức của công ty Note Printing Australia gọi tắt là NPA, do Ngân hàng Trữ kim RBA làm chủ toàn phần nhưng nay đã ngưng hoạt động, và công ty Securency do Ngân hàng Trữ kim RBA hợp doanh 50/50 phần trăm với một công ty Anh Quốc và còn đang hoạt động.

Hai công ty này đã được thiết lập để vận động tiếp thị và thực hành công tác in tiền nhựa polymer cho khoảng 30 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, Malaysia, và Indonesia.

Thế nhưng từ tháng 5 năm 2009, hai ký giả Richard Baker và Nick McKenzie thuộc Phân bộ Điều tra của công ty truyền thông Fairfax Australia, đã liên tục phát hiện phương cách vận động, sử dụng trung gian của NPA và Securency trong việc dành được hợp đồng với các đối tác nước ngoài mà phần lớn là Ngân hàng Nhà nước như tại Việt Nam hoặc Ngân hàng Trữ Kim Trung Ương như tại Malaysia và Indonesia.

Cáo buộc quan trọng hơn cả là viên chức NPA hoặc Securency đã sử dụng trung gian môi giới nước ngoài là viên chức chính phủ, chẳng hạn như ông Lương Ngọc Anh, mà loạt bài điều tra phóng sự trên nhật báo The Melbourme Age và The Sydney Morning Herald coi là đại tá tình báo của Bộ Công An Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hoặc đã lo lót hối lộ viên chức chính phủ nước ngoài qua trung gian của đại diện môi giới để ký kết hợp đồng in tiền nhựa polymer như trường hợp ông Radius Christanto tại Indonesia.

Loạt phóng sự của Richard Baker và Nick McKenzie đã dẫn đến cuộc điều tra chính thức của Tổng nha Cảnh sát Liên bang Australia và giới chức thẩm quyền tương nhiệm nước ngoài như Malaysia và Indonesia, nhưng cho đến nay, chính quyền Hà Nội vẫn duy trì quan điểm “đây chỉ là những tố giác” nên tiếp tục từ chối mở cuộc điều tra.

Tại Australia, căn bản pháp lý của cuộc điều tra cảnh sát và truy tố là bộ luật Hình sự Liên bang Úc cấm đoán công dân Úc hoặc công ty Úc lo lót hối lộ viên chức hoặc thân nhân viên chức nước ngoài để tranh thủ hợp đồng thương mại, mà hình phạt tối đa là 10 năm tù hoặc 1 triệu 100 ngàn đô la. Còn hình phạt đối với công ty là 300 ngàn đô la cho mỗi vi phạm. Các điều khoản này phản ảnh Công ước Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Âu chống tham nhũng mà Australia và nhiều nước khác, kể cả Việt nam là thành viên.

Ngoài cuộc điều tra của Cảnh sát Liên bang, các cáo buộc tham nhũng nầy đã được nêu lên nhiều lần tại Thượng viện ở Canberra. Đảng Xanh đề nghị một cuộc điều tra của Quốc hội liên bang, nhưng chính phủ Lao động và Liên đảng Tự do Quốc gia ở thế đối lập, đều không đồng ý, nên Đảng Xanh – thế lực chính trị thứ 3 – không thể làm gì được.

Tuy vậy, Đảng Xanh đã vận dụng cơ chế quốc hội dưới hình thức điều trần, để chất vấn những ai có trách nhiệm trong vấn đề này, cá biệt là ông Glenn Stevens, Thống đốc Ngân hàng Trữ kim RBA. Ông Glenn Stevens luôn luôn minh định là Ngân hàng Trữ Kim và các viên chức cấp cao của RBA không hề hay biết gì về những hành vi sai trái của NPA và Securency.

Tuy nhiên, gần đây vào cuối tháng 11 năm 2012, khi điều trần trước Ủy ban Quốc hội về Thi hành Luật pháp Quốc gia, Thống đốc Glenn Stevens đã phải nhìn nhận rằng đáng lẽ Ngân hàng Trữ Kim phải thông báo cảnh sát sớm hơn, khi một vài cáo buộc được nêu lên. Tuy vậy, ông Glenn Stevens vẫn duy trì lập trường của RBA là:

"Thái độ cố hữu của Ngân Hàng Trữ Kim là hối lộ và những hành vi đáng nghi ngờ dưới mọi hình thức đều không thể chấp nhận được.”


Nữ nghị sĩ Christine Milne, Lãnh tụ Đảng Xanh, chất vấn:

"Tôi trở lại sự việc là vào tháng 5 năm 2007, Ngân hàng Trữ kim được thông báo các cáo buộc hối lộ liên hệ đến các đại diện, nhưng ông đã không báo cảnh sát, nên tôi hỏi ông lần nữa là họ nhận tiền hối lộ này để làm gì?"

Thống đốc Glenn Stevens đáp:

"Có một cáo buộc và Ngân hàng Trữ kim đã mở cuộc điều tra và đi đến một kết luận. Công ty của Ngân hàng Trữ kim đã theo đuổi vấn đề này và cáo buộc trên được coi là rất quan trọng.”

Nghị sĩ Christine Milne không hài lòng với lời phúc đáp nên tố giác ông Glenn Stevens là đã "ngủ gục" trong công việc và đề nghị ông Glenn Stevens nên từ chức, nhưng Thống đốc Ngân hàng Trữ kim cho biết là ông có ý định phục vụ trọn nhiệm kỳ 7 năm. Ngân hàng Trữ kim Úc là một cấu trúc liên bang và Thống đốc do chính phủ liên bang bổ nhiệm, nhưng Ngân hàng Trữ kim và Thống đốc đều thi hành nhiệm vụ theo luật pháp qui định và độc lập với chính phủ.

Cáo buộc tham nhũng trong vấn đề tiếp thị tiền nhựa Polymer đã kéo dài trên 3 năm. Tại nhiều nơi, vấn đề đã được tòa án thụ lý.

Tại Anh Quốc, Tổng Cuộc Điều Tra Tội Phạm Nghiêm Trọng gọi tắt là SFO (Serious Fraud Office) đã truy tố thương gia tên tuổi William Lowther, 73 tuổi, nguyên là một giám đốc của công ty Securency tại Anh Quốc, với cáo buộc là đã “âm mưu” với 5 người khác để hối lộ ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ tháng 12 năm 1999 đến tháng 8 năm 2007.

Theo bản cáo trạng, “âm mưu” này đã thể hiện qua việc ông William Lowther giúp đỡ con trai ông Lê Đức Thúy là Lê Đức Minh được theo học tại Durham University, một viện đại học danh tiếng tại Anh Quốc và đã trả chi phí cư ngụ 3132 Bảng Anh và học phí 18.000 Bảng Anh. Ông William Lowther đã phủ nhận cáo trạng và luật sư của ông đã lập luận thành công trước bồi thẩm đoàn là bị can không hề biết rằng việc làm của ông là một phần của kế hoạch hối lộ ông Lê Đức Thúy.

Tại Australia, việc xét xử tám cựu viên chức công ty NPA và Securency hãy còn trong giai đoạn sơ khởi, nhưng một diễn tiến mới có thể giúp công tố viện thành công mà còn có thể dẫn đến những cáo buộc mới đối với vài viên chức chưa bị truy tố.

Trong bài phóng sự ‘độc quyền’ trên nhật báo The Age, hai ký giả Richerd Baker và Nick McKenzie cho biết rằng một thương gia triệu phú tại Indonesia, ông Radius Christanto, đã đồng ý làm nhân chứng cho cảnh sát liên bang Úc và sẽ xác nhận trước tòa án Melbourne rằng các viên chức Ngân hàng Trữ kim RBA của Úc đã sử dụng ông làm trung gian để trao cho các viên chức chính phủ Indonesia hàng triệu đô la hối lộ để đổi lấy những hợp đồng in tiền polymer cho Indonesia. Công tố viện cần sự xác nhận của ông Christano về nội dung của những văn bản trao đổi giữa ông và các viên chức Úc về vụ này.

Hai ký giả Richard Baker và Nick McKenzies tin rằng một vài viên chức khác của công ty NPA và Securency có thể sẽ bị truy tố trên căn bản những lời xác nhận của nhân chứng Radius Christanto.

Về những cáo buộc liên hệ đến ông Lê Đức Thúy và các viên chức khác tại Hà Nội, có thể công tố viện cũng cần một vài nhân chứng tương tự như ông Christanto. Nhưng liệu ông Lương Ngọc Anh có đồng ý hoặc được phép Bộ Công An làm nhân chứng trước tòa án Melbourne hay không?

Có vài khác biệt giữa ông Christanto và ông Lương Ngọc Anh. Ông Chritanto là một thương gia tư nhân trong khi ông Lương Ngọc Anh là một đại tá tình báo. Ông Christanto làm việc trên căn bản thương mại, trong khi ông Lương Ngọc Anh còn có liên hệ tình dục với một nữ viên chức ngoại giao Úc là cô Elizabeth Masamuna, Ủy viên trưởng Thương mại của cơ quan AusTrade tại Đại sứ quán Úc ở Việt Nam.