Doanh nghiệp Việt Nam cần ‘rút ra bài học’ từ dịch Covid-19

Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc

Không bỏ tất cả trứng vào một rổ để trở nên quá phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc là bài học quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải rút ra nếu họ có thể trụ lại được sau khi dịch Covid-19 đi qua, một nhà kinh tế từ trong nước nói với VOA.

Trong khi đó, một khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài đến 6 tháng thì ‘74% số doanh nghiệp trong nước sẽ phá sản’.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra hoành hoành ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay và hiện đang lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam lâm vào nguy ngập trên khắp các lĩnh vực từ buôn bán, sản xuất, xuất nhập khẩu cho đến du lịch.

‘Sắp cạn nguyên vật liệu’

Trao đổi với VOA, ông Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, cho biết hiện các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn nguyên vật liệu để duy trì sản xuất ‘cho đến hết tháng 3’.

Phần lớn phụ tùng, phụ kiện phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam nhập từ Trung Quốc, ông Doanh cho biết. Chỉ riêng ngành dệt may, Trung Quốc chiếm đến ‘50-60% lượng nguyên vật liệu nhập vào Việt Nam’.

Sở dĩ có tình trạng phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn các nhà cung cấp Trung Quốc là vì ‘họ hết sức linh hoạt, sẵn sang đáp ứng hết các nhu cầu thay đổi của ngành dệt may Việt Nam mà không tăng giá cũng như không đòi hỏi thêm điều kiện gì’.

“Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm nguồn nguyên phụ liệu từ các nước khác như Ấn Độ, Đài Loan, Bangladesh, Hàn Quốc,” ông Doanh nói và thừa nhận rằng việc này ‘sẽ làm tăng chi phí lên nhiều cho các doanh nghiệp’.

“Nếu không có giải pháp kịp thời thì một số doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng cửa vào cuối tháng 3 khi mà nguồn nguyên vật liệu dự trữ đã cạn kiệt,” ông nói.

“Các doanh nghiệp Việt Nam có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhà cung cấp Trung Quốc là điều dễ hiểu,” ông nói thêm. “Nhưng do chỉ phụ thuộc vào một đối tác nên họ phải trả giá.”

Do đó các doanh nghiệp ‘phải rút kinh nghiệm’ là ‘không bỏ trứng vào một rổ’ để khi có sự cố xảy ra thì sẽ không bị tác động quá mạnh, ông Doanh đề xuất.

Ông nói nếu dịch bệnh ở Trung Quốc có dấu hiệu thuyên giảm và các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại thì ‘sẽ là điều thuận lợi’ cho các doanh nghiệp Việt Nam vào lúc này. “Thiệt hại chỉ thật sự xuất hiện sau tháng Ba nếu nguồn cung ứng không được phục hồi. Các doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng sản xuất.”

Về việc hạn chế nhập cảnh người dân đến từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Doanh nói: “Điều không may là 3 nền kinh tế có hợp tác chặt chẽ và có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.”

“Cho nên không thể có biện pháp cấm nhập cảnh đối với công dân các nước này vì họ đã đầu tư vào Việt Nam. Họ cần gửi công nhân, chuyên gia hay nhà quản lý đến làm việc ở Việt Nam,” ông giải thích.

Ông Doanh chỉ ra việc sau Tết Nguyên đán có 10.000 công nhân Trung Quốc đã trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết đã được ‘Chính phủ Việt Nam có các biện pháp kiểm tra y tế và có biện pháp cách ly’.

“Biện pháp như vậy là hợp lý,” ông nói.

‘Không lơi lỏng cảnh giác’

Khi được hỏi dịch Covid-19 sẽ có tác động như thế nào đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, ông Doanh nói ‘sẽ không đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng từ 6,9 đến 7%’.

“Tăng trưởng có thể giảm 0,9 hoặc 1,5% tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và của các doanh nghiệp.”

Trước câu hỏi có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt vốn gây hại cho nền kinh tế hay không, ông Doanh trả lời: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất rõ trong cuộc họp của Chính phủ là Chính phủ thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp và sẵn sàng chấp nhận những hy sinh về kinh tế để đảm bảo an toàn cho người dân.”

Cho nên, theo ông thì tình hình lúc này vẫn chưa đủ khả quan để Việt Nam nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để cứu nền kinh tế. “Bài học là Hàn Quốc đã để dịch bệnh lây lan và giờ đây phải trả cái giá rất lớn,” ông chỉ ra. “Tôi mong Việt Nam không đi theo vết xe đổ của Hàn Quốc.”

Ông đề xuất là lúc này Việt Nam ‘vẫn phải tiếp tục theo dõi sát tình hình’ và cần có sự điều chỉnh nếu tình hình tiến triển tốt nhưng ‘tránh có những biện pháp đề phòng không đầy đủ để bảo vệ người dân’.

Theo khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân được báo mạng VnExpress dẫn lại thì ngoài 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, gần 30% doanh nghiệp mất từ 20 đến 50% doanh thu trong khi 60% doanh nghiệp mất hơn một nửa doanh thu.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng nhất, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...

“Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường,” báo cáo khảo sát được VnExpress dẫn lại cho biết.

Nếu các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc cho lao động nghỉ việc thì sẽ ‘gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành kinh tế’, theo khảo sát, vì hàng trăm nghìn người sẽ mất việc làm.