Phe đối lập Ai Cập thề chống lại hiến pháp do phe Hồi giáo hậu thuẫn

Các nhà báo Ai Cập dán miệng và giơ cao bút trong cuộc biểu tình chống lại dự thảo hiến pháp mới ở Cairo, ngày 23/12/2012.

Dự thảo Hiến pháp Ai Cập

Dự thảo Hiến pháp Ai Cập

-Hạn chế tổng thống chỉ được giữ 2 nhiệm kỳ mỗi nhiệm kỳ 4 năm.

-Quy định các biện pháp bảo vệ chống lại việc giam giữ và tra tấn độc đoán.

-Luật Hồi giáo hay Sharia có tác dụng làm cơ sở cho lập pháp.

-Tự do tôn giáo giới hạn cho người Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái.

-Nói rằng công dân bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về quyền lợi.
Liên minh đối lập có chủ trương tự do của Ai Cập cho biết họ sẽ tiếp tục tranh đấu chống lại hiến pháp do phe Hồi giáo hậu thuẫn tuy văn kiện này rõ ràng là đã được chấp thuận trong cuộc trưng cầu dân ý hai giai đoạn.

Tại cuộc họp báo hôm chủ nhật ở Cairo, Mặt trận Cứu quốc cho biết họ đã yêu cầu nhà chức trách điều tra những hành vi bất hợp lệ trong cuộc trưng cầu dân ý kết thúc hôm thứ 7 với cuộc đầu phiếu ở 17 trong số 27 tỉnh. Cử tri ở những tỉnh khác đã đi bầu hôm 15 tháng 12.

Phong trào Huynh đệ Hồi giáo của Tổng thống Mohamed Morsi nói rằng kết quả không chính thức cho thấy hiến pháp được sự chấp thuận của 64% cử tri trong hai đợt đầu phiếu, với số phiếu thuận trong cuộc đầu phiếu hôm thứ 7 vừa qua lên tới 71%.

Kết quả chính thức có thể sẽ được ủy ban bầu cử loan báo trong ngày hôm nay.

Phe đối lập cho rằng gian lận và sự đe dọa cử tri do phe Hồi giáo thực hiện đã xảy ra vì thiếu sự giám sát của tư pháp. Nhiều vị thẩm phán đã tẩy chay tiến trình đầu phiếu để phản đối việc Tổng thống Morsi ra sắc lệnh cấm các thẩm phán duyệt xét quyết định của ông.

Các nhân vật tranh đấu cũng nói rằng hiến pháp mới thiếu tính chất hợp pháp vì chỉ có khoảng 1 phần 3 cử tri bỏ phiếu.

Ông Amr Hamzawi của Mặt trận Cứu quốc nói rằng hiến pháp mới vi phạm các quyền cơ bản và đi ngược nguyện vọng của người dân nhằm xây dựng một xã hội công chính và một chế độ dân chủ.

Phe Hồi giáo cho rằng cuộc trưng cầu dân ý có tính chất công bằng và là một bước thiết yếu trong quá trình chuyển tiếp dân chủ, diễn ra gần 2 hai năm sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong cuộc nổi dậy của dân chúng.

Ủy ban lập hiến do phe Hồi giáo kiểm soát đã thông qua dự thảo hiến pháp hồi tháng trước, sau khi các thành viên thuộc phe tự do và phe Cơ đốc giáo rút khỏi ủy ban với lời than phiền là ý kiến của họ bị làm ngơ.

Các nhóm chống đối e rằng hiến pháp mới sẽ xói mòn các quyền tự do dân sự vì văn kiện này tăng cường vai trò của luật Hồi giáo và không đề cập rõ ràng về quyền của phụ nữ và quyền của các nhóm thiểu số.

Nếu ủy ban bầu cử Ai Cập xác nhận hiến pháp mới được chấp thuận trong cuộc trưng cầu dân ý, một cuộc bầu cử để bầu Hạ viện mới sẽ được tổ chức trong vòng hai tháng.