Du lịch châu Á mở cửa trở lại; khách sộp Trung Quốc vẫn chưa được xuất ngoại

Du khách Trung Quốc tham quan Chùa Shwedagon ở Yangon vào năm 2017.

Việc châu Á dần dần nới lỏng các hạn chế du lịch quốc tế đang giúp các nhà khai thác du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của khu vực cảm thấy nhẹ nhõm hơn, ngoại trừ một điều: Trung Quốc, nước có lượng du khách xuất ngoại lớn nhất thế giới, vẫn đang giữ tần suất bay quốc tế chỉ ở mức 2% của thời điểm trước đại dịch, và vẫn chưa nới lỏng các hạn chế đi lại chặt chẽ khi họ kiên định với chính sách “không COVID-19”.

Tình trạng này đã gây ra khoản thất thu hàng năm là 255 tỷ USD trên thị trường du lịch toàn cầu đối với các nhà khai thác như Laguna Phuket của Thái Lan, nơi đang nỗ lực bù đắp cho sự thiếu hụt đó.

Đại dịch đã làm Thái Lan thất thu khoảng 50 tỷ USD từ du lịch trong một năm và người Trung Quốc là những người chi tiêu trên mức trung bình dựa, theo dữ liệu của ngành du lịch.

Thái Lan hy vọng sẽ đón được 180.000 khách du lịch nước ngoài trong năm nay sau khi đã mở các địa điểm khác ngoài Phuket cho du khách vào ngày 1/11. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với khoảng 40 triệu du khách mà nước này đón hồi năm 2019.

Nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các biện pháp nghiêm ngặt như cách ly tới 3 tuần đối với những người trở về nước cho đến ít nhất là quý 2 năm sau và sau đó có thể mở cửa dần dần trên cơ sở xem xét từng quốc gia.

Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys ước tính phải đến năm 2025, hoạt động du lịch xuất ngoại của Trung Quốc mới có thể khôi phục lại mức trước đại dịch. Điều đó cũng sẽ buộc các hãng hàng không phải đánh giá lại các tuyến bay của họ vì dữ liệu cho thấy 38% khách du lịch Trung Quốc đã đi các hãng hàng không nước ngoài vào năm 2019.

Mặc dù Singapore, Thái Lan và Bali của Indonesia đang dần mở cửa cho du khách quốc tế, Thai Airways và Garuda Indonesia đang thu hẹp đáng kể đội bay của họ như một phần của kế hoạch tái cơ cấu trong bối cảnh vắng bóng du khách Trung Quốc.