Tín đồ Thiên chúa giáo mừng Lễ Phục Sinh vào lúc Giáo hội bị tai tiếng tình dục

  • Sonja Pace
Các tín đồ Thiên chúa giáo Roma trên khắp thế giới tuần này mừng lễ Phục Sinh, đánh dấu ngày Chúa Giê-su sống lại. Nhưng những cáo buộc về việc các linh mục lạm dụng tình dục thanh niên đã làm hoen ố hình ảnh Giáo hội và nêu ra những thắc mắc về sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.

Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican là trái tim của Thiên chúa giáo Roma, trung tâm của giáo hội với hơn 1 tỷ tín đồ trên khắp thế giới.

Nhưng giáo hội hiện đang bị vây hãm bởi những lời cáo buộc cho rằng các linh mục đã lạm dụng tình dục thanh niên, bởi một vụ bao che của giới tu sĩ cao cấp và bởi những thắc mắc về vai trò của Đức giáo hoàng Benedicto 16, trước khi ngài thụ chức giáo hoàng, lúc còn là Hồng y Joseph Ratzinger.

Peter Isely đã bị một linh mục lạm dụng tình dục lúc anh 13 tuổi. Anh cho biết sự kiện đó đã thôi thúc anh góp phần thành lập một nhóm hỗ trợ nạn nhân ở Hoa Kỳ.

Nay anh đến Roma để đòi lời giải thích:

“Đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây - để nói lên - những người trong cộng đồng của chúng tôi, những người còn sống sót, họ xứng đáng nhận được lời giải thích của quý vị. Quý vị phải nói chuyện với họ.”

Cụ thể, họ muốn những lời giải thích về sự can dự của Hồng y Ratzinger khi đó, trong vụ một linh mục đã lạm dụng 200 trẻ em điếc ở Mỹ trong tiểu bang Wisconsin cách đây 30 năm và tại sao ngài đã quyết định không trừng phạt hay lột áo linh mục này.

Ông Isely nói: “Nếu ông ấy không trả lời được một cách thuyết phục và rõ ràng về bằng chứng đã nổi lên trong những vụ này, thì làm sao ông ấy có thể kỷ luật hay thay đổi điều gì được.”

Cho đến giờ này, Đức Giáo Hoàng đã xin lỗi về những vụ lạm dụng tình dục ở Ireland, vừa được đưa ra ánh sáng, và ngài đã viết một bức thư cho các tín đồ Thiên Chúa giáo ở Ireland để chỉ trích các vị giám mục đã xử lý không đúng các vụ lạm dụng ấy.

Những cáo giác về những vụ lạm dụng trước đây đã nổi lên tại những nơi khác ở châu Âu, kể cả nước Đức là quê hương của đương kim Giáo Hoàng, và là nơi ngài đã phục vụ trong chức Tổng giám mục Munich từ năm 1977 đến năm 1982.

Trong thời gian đó, hồng y Ratzinger đã phê chuẩn việc thuyên chuyển linh mục Peter Huellermann, đến giáo phận Munich để được trị liệu tâm lý.

Vấn đề là, liệu ngài có biết là chẳng bao lâu sau đó, vị linh mục này đã được phép trở lại giáo phận để làm việc, nơi ông ấy lại tiếp xúc với trẻ em.

Tòa Thánh Vatican nói ngài không biết điều đó. Linh mục dòng Tên Godehard Bruentrup là giáo sư triết học tại trường Đại học Dòng Tên ở Munich. Ông nói ông nghi rằng hồng y Ratzinger có biết về việc ấy:

“Tôi không thấy ông Ratzinger có trách nhiệm trực tiếp về việc tái bổ nhiệm linh mục Huellermann vào công tác mục sư - có thể chỉ là trách nhiệm gián tiếp thôi bởi vì trách nhiệm của ông ấy chỉ đến mức đó.”

Hồng y Ratzinger nổi tiếng là đã siết chặt luật lệ chống lại việc lạm dụng tình dục trong giáo hội. Nhưng, vẫn có những thắc mắc còn lại từ thời gian ông làm người đứng đầu văn phòng chủ thuyết của Điện Vatican, về việc ông biết được đến đâu về vụ bao che các trường hợp lạm dụng tình dục của giới tu sĩ cao cấp.

Ông Francis Rocca, thông tín viên của Vatican làm việc cho Phòng Thông tin Tôn giáo, nói ông tin rằng Giáo Hoàng biết rất nhiều về những tố giác liên quan đến các vụ này.

Ông Rocco nói: “Tôi trông đợi Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập đến tình hình ở Đức cũng như ngài đã làm đối với Ireland, và tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy một cách nói, dùng những lập luận của linh mục, để thừa nhận rằng cách thức các giám mục giải quyết vấn đề vào thập niên 1980, khi ngài còn đóng vai trò đó, như ta biết hiện nay, không phải là cách thức tốt đẹp nhất.”

Nhưng đối với nhiều người, lập luận mơ hồ kiểu mục sư đó không đủ, theo nhận xét của ông Peter Isely:

“Đơn giản là không đủ hữu hiệu. Họ cần phải bắt đầu sử dụng các ngôn từ mô tả những sự việc này và những gì họ đã làm để giải quyết những sự việc ấy.”

Các ảnh hưởng dài hạn đối với giáo hội có thể không đến nỗi tai hại, theo ý kiến của ông Francis Rocca:

Ông Rocca nhận định “Tôi nghĩ về mặt quân bình, thì sẽ tốt đẹp trong cái nghĩa là nó kích thích một sự thừa nhận bên ngoài ranh giới Bắc Mỹ, ở châu Âu và chung cuộc trên toàn thế giới là sự việc này cần phải được giải quyết một cách tốt đẹp hơn.”

Nhiều người cho rằng có phần chắc kết quả đầu tiên sẽ là các chỉ thị mới gắt gao của Tòa Thánh Vatican về cách thức đối phó với những cáo giác lạm dụng tình dục.