EU bàn với Thổ Nhĩ Kỳ về việc chống nhóm Nhà nước Hồi giáo

Bà Federica Mogherini nói chuyện với các nhà báo sau cuộc hội đàm với các giới chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ, 8/12/14

Ủy viên chính sách đối ngoại Liên hiệp Âu châu đang hướng dẫn một phái đoàn cấp cao đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về vai trò của Ankara trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và tìm cách hồi sinh nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập Liên hiệp Âu châu. Theo tường thuật của thông tín viên Dorian Jones của đài VOA ở Istanbul, chuyến viếng thăm diễn ra trong lúc quan hệ giữa đôi bên đang bị nguội lạnh.

Trong chuyến viếng thăm hai ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc chiến chống lại nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo là một đề tài nghị sự chính của bà Federica Mogherini, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp Âu châu.

Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới với Syria và Iraq, và có những tuyến giao thông khá tốt với các nước trong Liên hiệp Âu châu; và do đó, nước này được Brussels xem là có một vai trò trọng yếu trong việc ngăn chận dòng chảy của những người ở Âu châu muốn gia nhập hàng ngũ của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông Cengiz Aktar, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Suleyman Sah ở Istanbul, cho biết vấn đề này tiếp tục là một nguồn gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Ankara với Brussels:

"Vấn đề này gây ra rất nhiều chia rẽ. Các nước hội viên Liên hiệp Âu châu ngày nào cũng nhìn thấy công dân của họ đi theo và gia nhập hàng ngũ của nhóm gọi là ISIS hay ISIL, và trong nhiều năm qua họ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác để ngăn chận, nhưng sự hợp tác này diễn ra rất trễ. Chúng ta phải chờ xem sự việc diễn tiến ra sao."

Ankara bác bỏ sự chỉ trích của Liên hiệp Âu châu và nói rằng những nước này đã không làm đủ để ngăn không cho công dân của mình đi theo các phần tử Hồi giáo hiếu chiến và không chịu chia sẻ thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã trục xuất hơn 1.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo và có danh sách của hơn 7.000 người mà họ không cho nhập cảnh.

Ủy viên Đối ngoại của Liên hiệp Âu châu, bà Federica Mogherini, đang đề nghị những biện pháp khích lệ để Ankara thực hiện lại những nỗ lực nhằm gia nhập liên hiệp này.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Semih Idiz, một nhà bình luận ngoại giao của nhật báo Taraf ở Thổ Nhĩ Kỳ, dân chúng nước ông hiện nay có thái độ nghi ngại sâu sắc về tiến trình gia nhập Liên hiệp Âu châu:

Tôi nghĩ rằng vấn đề này hoàn toàn không được dân chúng lưu tâm. Nó không phải là một phần của cuộc tranh luận trong công chúng và đã tuột hẳn ở đàng sau. Mọi người đều nghĩ rằng bất kể Thổ Nhĩ Kỳ làm gì đi nữa thì nỗ lực của họ cũng chẳng đi tới đâu cả. Và tôi nghĩ rằng điều này có liên hệ rất nhiều tới những diễn tiến chính trị quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi mà tình hình chính trị đã khiến cho chính phủ làm chậm lại tiến trình cải cách.

Các nhà phân tích cho rằng phản ứng của Liên hiệp Âu châu đối với vụ khủng hoảng người tị nạn càng làm cho Ankara càng cảm thấy bất bình nhiều hơn đối với Brussels. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Liên hiệp Âu châu không chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn và không cung cấp đủ những sự hỗ trợ tài chánh.

Mặc dù vậy, giáo sư Aktar của Đại học Suleyman Sah cho rằng Ankara cũng có trách nhiệm đối với tình hình khó khăn hiện nay:

"Vấn đề là khi chúng ta nhận viện trợ và những sự trợ giúp của quốc tế, chúng ta phải hành động một cách phù hợp và phải để cho các tổ chức quốc tế tham gia những nỗ lực chăm sóc cho người tị nạn. Bất kể là những tổ chức quốc tế đó là những cơ quan liên chính phủ hay là những tổ chức phi chính phủ. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm như vậy. Bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có những con mắt thứ ba hay những người nước ngoài nhìn vào những gì đang xảy ra ở đất nước của mình."

Ủy viên Trợ giúp Nhân đạo của Liên hiệp Âu châu, ông Christos Stylianides, đang đi chung với phái đoàn của bà Mogherini; và theo dự liệu, ông sẽ đi thăm các trại tị nạn trong ngày hôm nay.

Theo các nhà quan sát, sẽ không có đột phá quan trọng nào trong cuộc thảo luận của Liên hiệp Âu châu với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng họ cũng nói rằng chuyến viếng thăm này có ích cho việc xử lý những sự bất đồng và ngăn không cho quan hệ giữa Ankara với Brussels suy sụp thêm nữa, nhất là trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang có một vị thế chiến lược vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan.