EU nhắm tiêm vaccine chống COVID sơ khởi cho 40% dân số

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Charles Michel chào nhau thời đại dịch COVID-19 (ảnh chụp tại Brussels, ngày 21/7/2020)

Các nước Liên hiệp châu Âu, Anh và các đối tác EU nhất trí một kế hoạch tiêm chủng vaccine chống COVID cho ít nhất 40% dân số của họ, động thái có thể ảnh hưởng kế hoạch tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mục tiêu tiêm chủng sớm của EU cao gấp hai lần mục tiêu do WHO đề ra. Mục tiêu của WHO nhắm sơ khởi mua vaccine cho 20% dân số thế giới dễ bị tổn thương qua một kế hoạch mua bán toàn cầu.

EU ước tính nếu có vaccine, ít nhất 40% dân số của họ cần được tiêm chủng sơ khởi. Điều này giảm đáng kể khả năng có được những liều vaccine tại các nước kém phát triển.

Cho tới nay, chưa có vaccine chống COVID nào được chấp thuận, trừ một vaccine được chuẩn thuận tại Nga trước khi được thử nghiệm rộng rãi.

Việc cung cấp loại vaccine thành công dự kiến sẽ giới hạn trong một thời gian dài vì khả năng sản xuất có hạn.

Mục đích đề ra là đạt được miễn nhiễm cộng đồng cho dân chúng EU, điều này có thể đạt được với những chiến dịch tiêm chủng thêm nữa sau khi đạt được mục tiêu 40%.

Chưa biết sẽ mất bao lâu đạt được mục tiêu này, nhưng những vấn đề về hậu cần đang được lưu ý từ việc chuyên chở bằng xe đông lạnh cho đến việc cung cấp kim tiêm và thiết lập những địa điểm tiêm chủng.

Châu Âu trước?

Ủy ban Châu Âu, cánh hành pháp của EU, nhiều lần nói ủng hộ khuynh hướng tiêm chủng COVID toàn cầu nhằm mang lại sự tiếp cận vaccine bình đẳng cho mọi người trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Ủy ban đang thực thi điều có thể được xem tương đương như chiến lược “Châu Âu trước tiên”, trong đó dân chúng châu Âu được ưu tiên và việc này có thể gây phương hại cho sự tiếp cận toàn cầu.

Ủy ban yêu cầu 27 nước thành viên EU chớ mua vaccine qua kế hoạch mua bán do WHO chỉ đạo mà thay vào đó sử dụng kế hoạch thay thế của EU được xem là nhanh hơn và rẻ hơn.

Khuynh hướng này có thể làm suy yếu việc mua bán vaccine toàn cầu mà tuần tới là thời hạn chót cho những cam kết tài chánh.

Ủy ban từng nói có thể hỗ trợ tài chánh cho kế hoạch của WHO và hiến tặng vaccine qua kế hoạch của EU. Tuy nhiên, với mục tiêu tiêm chủng cao như vừa kể, khả năng khối này có những liều vaccicne thặng dư đang ngày càng sụt giảm.