EU xem cánh quân sự của Hezbollah là tổ chức khủng bố

Ngoại trưởng Anh William Hague (phải) và Ngoại trưởng Luxembourg tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Brussels, 22/7/13

Liên Hiệp Châu Âu đã đặt cánh quân sự Hezbollah trong danh sách các tổ chức khủng bố, nêu bật những lo ngại về vai trò của nhóm này tại Syria và vụ khủng bố hồi năm ngoái tại Bulgaria.

Quyết định hôm thứ Hai của bộ trưởng ngoại giao các nước EU chỉ nhắm vào cánh quân sự của Hezbollah, cũng là nhóm chính trị mạnh nhất của Libăng. Trưởng ban chính sách đối ngoại EU, bà Catherine Ashton, nói rằng EU sẽ duyệt lại danh sách khủng bố sáu tháng một lần.

Việc đưa Hezbollah vào sổ đen cho phép các nước thành viên EU phong tỏa tài sản của tổ chức này tại Châu Âu, và cũng có thể bao gồm lệnh cấm du hành cho các thành viên của họ.

Bà Aston nói rằng việc này gởi một tín hiệu chính trị và một tín hiệu “thật sự” rằng 28 thành viên của khối này không dung thứ đường lối khủng bố.

Hành động vừa kể đánh dấu một chiến thắng của Anh và Hà Lan, là những nước kêu gọi đưa vào sổ đen, tiếp theo sau một cuộc tấn công khủng bố Bulgaria hồi năm ngoái mà Hezbollah có nhúng tay. Vụ đánh bom xe buýt đó đã giết chết năm người Israel và người tái xế Bulgaria.

Bộ trưởng ngoại giao Anh William Hague nói:

“Đã một năm trôi qua kể từ khi cuộc tấn công khủng khiếp bằng bom xảy ra tại Bulgaria, và chúng tôi tin rằng Châu Âu cần có một đáp ứng rõ ràng và dứt khoát đối với một cuộc khủng bố trên lãnh thổ Châu Âu. Một sự đưa vào danh sách như vậy cũng sẽ cho chúng ta dễ dàng làm việc cùng nhau trước những mối đe dọa khủng bố, và gởi một thông điệp rất rõ ràng cho Hezbollah và các tổ chức khác.”

Cũng còn một vấn đề lo ngại nữa là Hezbollah ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống Syria, Bashar al-Assad.

Israel hoan nghênh quyết định của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng bày tỏ thất vọng rằng quyết định đó không bao gồm cánh chính trị của Hezbollah.

Bộ trưởng ngoại giao các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi phóng thích các tù chính trị tại Ai Cập, trong đó có Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi. Họ kêu gọi một tiến trình dân chủ nhiều thành phần tại Ai Cập, và tổ chức các cuộc bầu cử càng sớm càng tốt.