EU yêu cầu Thái Lan cải tổ ngành đánh cá trong vòng 6 tháng

Người bán cá cắt một phần của cá ngừ vây xanh, bắt được ở ngoài khơi Thái Lan, tại chợ cá Nice ở đông nam nước Pháp.

Hôm thứ Ba, Liên hiệp Châu Âu đã đưa tối hậu thư “thẻ vàng” buộc Thái Lan phải thay đổi sâu rộng các chính sách về đánh bắt cá bất hợp pháp, không luật lệ và không khai báo (IUU), nếu không sẽ bị cấm xuất khẩu thủy sản qua EU vào cuối năm nay.

Viện dẫn “những thiếu sót rõ ràng,” Ủy hội Châu Âu tường trình rằng biện pháp được đưa ra “sau khi phân tích tỉ mỉ khung pháp lý, các biện pháp thực thi và sắp xếp hành chính của nước này, có ảnh hưởng đến khả năng của Thái Lan trong việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

Nếu một lệnh cấm “thẻ đỏ” được áp đặt đối với các mặt hàng thủy sản của vương quốc Đông Nam Á này, thì Thái Lan sẽ có thể gánh chịu thiệt hại trên 500 tỷ đôla mỗi năm.

Các quan ngại chính của EU xoay quanh việc Thái Lan không xác nhận đúng đắn nguồn gốc và tính cách hợp pháp của các loại cá xuất khẩu.

Bộ nông nghiệp Thái Lan đã phát động một chiến dịch ở Phukhet trong tuần này nhằm cải thiện các tập tục trong công nghiệp đánh bắt cá. Dưới sự kiểm soát của một tập đoàn do quân đội cầm đầu kể từ sau cuộc đảo chính không đổ máu cách đây 11 tháng, tin cho hay chính phủ Thái Lan đang viết những điều lệ gắt gao hơn về đánh bắt cá dự kiến sẽ được ký thành luật vào tháng 7.

Ngành đánh bắt cá IUU là một thị trường theo ước tính lên tới 10 tỷ đôla, chiếm khoảng 15% số lượng cá đánh bắt trên toàn cầu, theo EU và các tổ chức phi chính phủ về môi trường.

Thái Lan có thể bị nhiều hình thức khiển trách, trong đó có bảng xếp hạng vào loại thấp nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về buôn bán người và các cảnh báo an toàn đưa ra cho khu vực hàng không thương mại của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Tập đoàn cầm quyền Thái Lan đã nhất quyết chỉnh sửa tất cả những mối quan ngại này một cách mau chóng và quy trách các vấn đề cho chính phủ dân sự mà họ đã lật đổ,

Công nghiệp thủy sản trong nước đấy thế lực, có dính dáng đến việc đánh bắt cá IUU và buôn bán người, được cho là có ảnh hưởng chính trị rất đáng kể ở Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đã thực hiện vụ đảo chính ngày 22 tháng 5 năm 2014, trong tư cách tham mưu trưởng quân đội, có quyền hành rộng rãi theo điều 44 của hiến chương tạm thời.

Khi đài VOA hỏi về kỳ hạn cho các cải tổ trong công nghiệp đánh bắt cá, cả văn phòng thủ tướng lẫn Bộ Ngoại giao đều cho biết không thể đưa ra lời bình luận tức thời.

Ủy hội Châu Âu hôm thứ Ba thừa nhận có tiến bộ về phía Nam Triều Tiên và Philippines trong “những cải cách thích đáng về những hệ thống pháp lý và nay đang được trang bị để giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp.” Như vậy, theo EU, những lời cảnh báo “thẻ vàng” nhắm vào hai nước này nay đã được rút lại.

Liên hiệp Châu Âu hiện cấm các loại sản phẩm cá được đánh bắt bởi các tàu của Sri Lanka, Guinea và Campuchia.