Một số chuyến bay bắt đầu hoạt động trở lại ở Châu Âu

  • William Ide
Các bộ trưởng giao thông Châu Âu đồng ý mở lại từng phần không phận phía bắc của châu lục này sau vụ núi lửa ở Iceland phun làm ngưng trệ các chuyến bay 5 ngày qua. Từ Washington, thông tín viên William Ide của đài VOA tường trình rằng quyết định cho các chuyến bay hoạt động trở lại trên cơ sở giới hạn đang mạng lại ít nhiều hy vọng cho các hành khách bị kẹt trên khắp thế giới, thế nhưng cơ hội này có thể không kéo dài do cường độ phún xuất của núi lửa đang tăng mạnh.

Trong một cuộc họp trực tuyến ngày hôm qua, bộ trưởng giao thông các nước Liên hiệp Châu Âu đã đồng ý bãi bỏ lệnh cấm các chuyến bay bắt đầu từ ngày sơm hôm nay tại Scotland, và mở cửa lại các phi trường ở miền nam và miền đông trong lúc tình hình đang khả quan hơn.

Ủy viên Giao thông Châu Âu Siim Kallas nói rằng dần dần sẽ có thêm các chuyến bay bắt đầu cất cánh.

Ông Kallas nói: “Đó là tin vui đối với các hành khách đang bị kẹt, đối với ngành hàng không và các lãnh vực kinh tế khác bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng này.”

Cơ quan Không lưu Quốc gia Anh nói rằng sau khi các phi trường và không phận Scotland được mở trở lại, các phi trường của London, kể cả phi trường Heathrow, có thể sẽ mở cửa lại nội trong ngày hôm nay.

Hãng hàng không Lufthansa của Đức cho hay bắt đầu hôm nay sẽ để cho 50 chuyến bay của hãng này từ châu Á, châu Phi, Bắc và Nam Mỹ đáp xuống Châu Âu.

Hàng triệu hành khách đã bị ảnh hưởng kể từ khi núi lửa ở Iceland bắt đầu phun nham thạch hồi tuần trước. Đây là lần thứ hai núi lửa này phun nham thạch trở lại trong một tháng sau khi đã ngưng hoạt động trong khoảng 200 năm qua.

Người phát ngôn Robert Gibbs của Tòa Bạch Ốc cho hay chính phủ Hoa Kỳ đang cố giúp đưa khoảng 40,000 người Mỹ đang bị kẹt tại Anh về nước.

Ông Gibbs cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để cứu xét mọi khả năng đẩy nhanh công việc này. Được biết có nhiều người đang đi nghỉ, họ đang hết thuốc men, và họ không có nơi trú ngụ.”

Thông báo kế hoạch dần dà tiếp tục các chuyến bay được đưa ra vào lúc công nghiệp hàng không chỉ trích các giới chức chính phủ về cách đối phó với tình hình này. Ước tính việc đình chỉ hoạt động không lưu trong mấy ngày qua đã khiến ngành hàng không thất thu hơn một tỉ đôla.

Ông Michael O'Leary, giám đốc hãng Ryanair, một hãng hàng không lớn có giá vé rẻ ở Châu Âu, thận trọng hoan nghênh quyết định mở lại các chuyến bay.

Ông O'Leary nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc mở lại không phận Anh trên cơ sở từng phần, nói thật ra thì tình hình có thể thay đổi từng giờ, tùy thuộc vào diễn biến của núi lửa ở Iceland.”

Cơ quan Không lưu Quốc gia Anh phổ biến một thông báo cuối ngày hôm qua nhấn mạnh đến tình hình không được chắc chắn đó. Thông báo nói rằng cường độ phún xuất của núi lửa gia tăng và một đám mây tro bụi mới đang hướng về Anh.

Ông Klaus Walther, người phát ngôn của hãng hàng không Lufthansa, cảnh báo rằng có thể phải mất một thời gian thì không lưu mới trở lại hoạt động bình thường được.

Ông Walther nói rằng sẽ phải mất một thời gian, bởi vì hãng Lufthansa chưa trở lại với điều kiện không lưu bình thường, có nghĩa là mỗi ngày hãng Lufthansa có thể vận hành 1,800 chuyến bay. Ông nói thêm rằng trong những tuần lễ sắp tới, hãng Lufthansa sẽ tuân theo các quy định và phép tắc đặc biệt được Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang và các hãng hàng không Đức thống nhất đưa ra, và an toàn vẫn luôn là ưu tiên cao nhất.

Thỏa thuận được bộ trưởng giao thông các nước Liên hiệp Châu Âu đạt được thiết lập 3 khu vực: khu vực cấm bay tuyệt đối trên đám mây tro, khu vực bay thận trọng nơi bị ô nhiễm một phần, và khu vực không phận mở hoàn toàn.

Máy bay bay ở khu vực bay thận trọng khi hạ cánh phải được kiểm ra máy móc xem có bị hỏng hóc gì không.

Các chuyên gia nói rằng mặc dù tro và các loại khí phu ra từ núi lửa có thể làm hư hỏng bên ngoài máy bay cũng như hệ thống lọc không khí, mối đe dọa nguy hiểm nhất là đối với động cơ, vì chúng có thể ngưng hoạt động trong lúc đang bay.