Tiếng Anh và vấn đề hội nhập

Một lớp ESL (Anh Ngữ - Ngôn Ngữ Thứ Hai), tại Morgan Community College, Colorado. Hình minh họa.

Ngôn ngữ là chìa khóa để bảo tồn văn hóa của một cộng đồng sắc tộc, và cũng là chìa khóa để tìm hiểu văn hóa của một cộng đồng sắc tộc khác.

Người Việt là một cộng đồng sắc tộc có xu hướng bảo tồn văn hóa rất cao, và có thể nói là một trong những tâm tư lớn nhất của thế hệ đi trước sau biến cố 30/4 bỏ nước ra đi. Tại hải ngoại, cộng đồng người Việt đã được hình thành khắp nơi trên thế giới, và rất nhiều nơi đã hình thành các trường Việt ngữ để duy trì và phát huy tiếng Việt.

Tại Úc, người Việt may mắn có được sự lãnh đạo có viễn kiến của cố thủ tướng Malcolm Fraser. Năm 1971, chỉ có dưới 700 người Việt hiện diện tại Úc. Trong hơn 7 năm cầm quyền từ cuối năm 1975 đến tháng Ba năm 1983, chính phủ Fraser nhận khoảng 60 ngàn người tị nạn, trong đó có người đi trực tiếp đến Úc bằng thuyền. Chính quyền Bob Hawke tiếp tục chính sách di dân và đa văn hóa, nên tổng số người Việt đến Úc tính đến năm 1986 là hơn 80 ngàn người. Trước đó, luật di dân của Úc, từ năm 1901 đến 1958, chủ yếu thể hiện chính sách người Úc da trắng (White Australian Policy). Nhưng nó đã bị hủy bỏ hoàn toàn và, thậm chí, trở thành bất hợp pháp qua Bộ luật Phân biệt Chủng tộc 1975 (The Racial Discrimination Act 1975).

Chính sách tiếp nhận người tị nạn, chính sách đa văn hóa, và các cải tổ về luật pháp và cơ chế tại Úc của ông Fraser đã thay đổi bộ mặt của nước Úc từ đó về sau. Điển hình qua sự hình thành Hội đồng Sắc tộc Sự vụ Úc (the Australian Ethnic Affairs Council) năm 1977 trong vai trò làm cố vấn cho chính phủ. Nhưng đáng nói nhất là sự hình thành cơ quan truyền thông đa sắc tộc có tên, Dịch vụ Phát sóng Đặc biệt SBS (Special Broadcasting Service) vào 24 tháng 10 năm 1980. SBS một thời là món ăn tinh thần của người Việt, là phương tiện đáng kể giúp người Việt hội nhập tốt hơn vào đời sống mới. (Ngày nay, SBS không thể nào cạnh tranh với các chương trình truyền thanh, truyền hình và thông tin dạng viết 24/24 từ các đài đặc biệt hay từ mạng Internet, từ Việt Nam ra đến hải ngoại. Thông tin tràn ngập và đủ loại, nhất là trên Youtube và Facebook, nhất là những kênh đáp ứng thị hiếu và mong đợi của người Việt, đặc biệt đối với thế hệ đi trước, đã dần dần thay thế các kênh truyền thông chính mạch/truyền thống.)

Duy trì ngôn ngữ và văn hóa là vô cùng cần thiết cho một cộng đồng sắc tộc, đặc biệt là các cộng đồng mới hình thành tại các quốc gia như Úc. Giới lãnh đạo chính trị Úc hiểu điều này. Tất cả các chính quyền từ thời Fraser về sau đều cổ võ, ở mức độ khác nhau, chính sách đa văn hóa và truyền thông đa ngôn ngữ tại Úc. Nhưng quan niệm này phần nào dịch chuyển kể từ biến cố 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, do một số sự kiện xảy ra trong 20 năm qua. Một, hiện tượng những người trẻ lớn lên tại các các nền văn hóa Tây phương, kể cả Úc, lại bị chủ trương cực đoan hóa (radicalisation) tác động dẫn đến tình trạng chính họ xung phong đi đến các nước Trung Đông để chiến đấu cho các nhóm khủng bố cực đoan, như Nhà nước Hồi giáo (ISIS), chẳng hạn. Hai, mạng xã hội ngày càng ảnh hưởng lên cách suy nghĩ và hành xử của nhiều thành phần xã hội khắp nơi trên thế giới. Nga đã lợi dụng phương tiện này để tung bao tin giả trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, chẳng hạn. Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập và khống chế cộng đồng người Hoa, và qua đó ảnh hưởng, lên các đại học hay tiến trình chính trị tại Úc, Mỹ v.v… Điều này làm cho các nhà lãnh đạo và chính sách gia trên thế giới, trong đó có Úc, phải tìm ra các chiến lược khả thi để ngăn chặn tác hại của mạng xã hội, như Facebook, YouTube, Twitter lên trên những người dễ bị tổn thương.

Ai là thành phần dễ bị tổn thương? Là những người thiếu khả năng ngôn ngữ hay tư duy phản biện để phân biệt đâu là tin thật hay tin giả?

Khả năng ngôn ngữ rõ ràng giúp cho người di dân có thể hội nhập tốt hơn vào đời sống mới. Nhưng hội nhập thôi cũng chưa đủ. Muốn đóng góp cho xã hội, cho đất nước mới này, người di dân cần biết nhiều vấn đề khác nhau: từ văn hóa, kinh tế, cho đến xã hội, và nhất là chính trị. Cơ cấu, guồng máy vận hành, hệ thống bầu cử, ba ngành tư pháp, hành pháp, và lập pháp hoạt động độc lập ra sao, nền đệ tứ quyền truyền thông tương tác với xã hội và đóng vai trò như thế nào trong một nền dân chủ pháp quyền. Muốn hiểu được các vấn đề này thì một, phải có khả năng đọc thông tin từ các nguồn chính, như từ các cơ quan chính phủ, và từ các cơ quan nghiên cứu và truyền thông khả tín. Hai, các thông tin này cần được thông dịch một cách nghiêm túc. Lý tưởng là được thông dịch và chứng nhận từ các cơ quan công quyền. Nhưng nguồn lực của họ giới hạn. Tại Úc, chỉ có 73% người dân nói tiếng Anh ở nhà. Tiếng Quan Thoại chiếm 2.5%. Tiếng Việt chiếm 1.2%. Khoảng 240 ngôn ngữ khác nhau được dùng tại Úc. Vì thế, các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương không có khả năng để thông dịch mọi thông tin đến các cộng đồng sắc tộc này, mà vẫn chủ yếu vận dụng truyền thông của SBS, chẳng hạn.

Cũng vì giới hạn về ngôn ngữ, mà biết bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin giả. Các phần tử xấu đã lợi dụng cơ hội này để lừa đảo người dân, nhất là các cộng đồng sắc tộc tại Úc, đến độ Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng thuộc chính quyền Úc đã phải thiết lập một cơ quan gọi là ScamWatch, để theo dõi, tường thuật và báo cáo thường xuyên các vụ lừa đảo. Các trò lừa đảo phổ biến bao gồm lừa đảo lấy thông tin cá nhân, mua sắm trực tuyến và lừa đảo tiền hưu trí. Chỉ trong tháng 11 vừa qua thôi, đã có 22,122 vụ lừa đảo, với $18,703,848 bị đánh cắp. ScamWatch nhận được 5,170 vụ báo cáo lừa đảo liên quan đến Covid-19, với $6,280,000 bị đánh cắp. Đó là chưa kể bao nhiêu trường hợp khác có thể chưa được báo cáo.

Tóm lại, khi không có thông tin xác thực và thiếu tư duy phản biện, mà lại dễ tin vào những tin đồn nhảm chưa được kiểm chứng, thì người dân (Úc, Việt hay bất cứ sắc dân nào) sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các phần tử xấu, nhất là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Về mặt chính trị, khi người dân không tiếp cận được những thông tin trung thực, đa chiều, khả tín, mà lại có khuynh hướng dựa vào các tin tức trên mạng xã hội thực hiện theo tiếng mẹ đẻ của mình, thì sự tham gia và đóng góp của những người này không những bị giới hạn, mà còn có rủi ro đưa đến những tác hại rất lớn cho quốc gia mới của mình.

Lãnh đạo chính trị Úc hiểu rất rõ những thử thách trên khi nhận người di dân mới đến Úc. Cộng đồng người Hoa, người Việt, v.v… rất dễ bị tổn thương bởi các tin giả. Vì vậy, chính sách cần thiết là làm sao chọn lọc người đến, và mở rộng các chương trình ngôn ngữ, để vừa đề cao song ngữ, vừa đề cao nhu cầu cần biết tiếng Anh. Qua đó, công dân và thường trú nhân Úc có thể hội nhập vào đời sống tốt hơn. Thực tế cho thấy, những ai không biết tiếng Anh thì khó kiếm việc làm hơn. Chỉ có 13% người không biết tiếng Anh có việc làm, trong khi 62% biết tiếng Anh thì có việc làm.

Theo thông cáo mới nhất của Bộ trưởng Di trú, Alan Tudge, thì “Những người di cư không có kỹ năng tiếng Anh cũng dễ trở thành nạn nhân của sự can thiệp và thông tin sai lệch của nước ngoài, và họ sẽ khó tìm kiếm sự giúp đỡ hơn nếu họ là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc nếu bị bóc lột.” Chính phủ Úc đã tu chính điều luật liên hệ này vào ngày 10 tháng 12 vừa qua để bảo đảm những ai đến Úc định cư sẽ được giúp đỡ để hội nhập tốt hơn. Ông Tudge nói: “Không có tiếng Anh, sẽ khó kiếm việc làm hơn, khó trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng, và khó tham gia vào các quá trình dân chủ của chúng ta.”

Tuy vậy, chính phủ Úc không chỉ đề cao tiếng Anh, mà còn tài trợ 10 triệu đô la để giúp cho 356 trường ngôn ngữ trên toàn nước Úc nâng cao kỹ năng song ngữ. Ông Tudge biện luận: “Kỹ năng song ngữ mang lại cho những người Úc trẻ một lợi thế cạnh tranh trong một lực lượng lao động toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, và xây dựng năng lực của chúng ta như một quốc gia để tương tác cởi mở và tự tin với phần còn lại của thế giới”.

Quả thật, ngoài văn hóa, khả năng song ngữ là ưu điểm đưa đến nhiều lợi ích thực tiễn, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu này. Theo tiến sĩ khoa học thần kinh Mariano Sigman, thì một người có khả năng song ngữ, sẽ chiếm ưu thế so với đơn ngữ vì họ có thể kiểm soát nhận thức tốt hơn. TS Sigman giải thích: “Kiểm soát nhận thức có nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như khả năng chú ý, khả năng lập kế hoạch và khả năng chuyển đổi dễ dàng giữa các nhiệm vụ.” Ngoài ra, khả năng song ngữ cũng giúp người trẻ trở nên đồng cảm hơn, khi họ có thể nhìn mọi thứ từ những góc độ khác quan điểm với mình.

Biết thêm một ngôn ngữ mang lại rất nhiều ích lợi. Như đã trình bày trên, từ văn hóa, kinh tế, đến vấn đề hội nhập vào đời sống mới trong tư cách của một thành viên mới. Tiếng Anh chỉ là một ví dụ, bởi các ngôn ngữ như tiếng Pháp, Đức, Hòa Lan, Ý, ngôn ngữ Bắc Âu, v.v… đều quan trọng như nhau. Các bậc phụ huynh Việt Nam trong nước cũng nên dồn nỗ lực ưu tiên này cho con em của mình. Từ khả năng tiếng Anh đến song ngữ hay đa ngữ, để có thể vận dụng tối đa các cơ hội và thử thách trong thời đại ngày nay.

[Cùng viết với luật sư Trần Kiều Ngọc]

Úc châu, 14/12/2020