Facebooker Phuong Ngo, hay lên tiếng phản biện và chống tiêu cực, bị cấm xuất cảnh

Biên bản của công an tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tp.HCM, về cấm bà Ngô Thi Oanh Phương xuất cảnh, 5/10/2023.

Nhà chức trách Việt Nam mới đây ngăn chặn bà Ngô Thị Oanh Phương xuất cảnh. Bà được biết đến rộng rãi trên mạng xã hội qua tài khoản Facebook mang tên Phuong Ngo do bà thường lên tiếng phản biện về nhiều vấn đề trong xã hội và nhiệt tình chống tiêu cực trong nhiều năm qua.

Theo nguồn tin riêng của VOA, Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không cho bà Phương xuất cảnh vào sáng sớm hôm 5/10 sau khi bà đã có thẻ lên máy bay để bay từ thành phố Hồ Chí Minh tới sân bay Narita của thủ đô Nhật Bản.

Hai đại diện của công an cửa khẩu và một đại diện hãng hàng không Japan Airlines đã lập biên bản về “tạm hoãn xuất cảnh” đối với bà Phương, nguồn tin cho biết. Tờ biên bản mà VOA xem được có đoạn viết rằng bà không được rời khỏi Việt Nam “vì lý do quốc phòng, an ninh” căn cứ theo một điều trong luật về việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành năm 2019.

Biên bản không nói chi tiết hơn vì sao bà Phương không được xuất cảnh. VOA cố gắng liên lạc với bà Phương và cơ quan công an liên quan để tìm hiểu thêm nhưng không kết nối được.

Bà Phương, 42 tuổi, thường trú ở Tp.HCM, nổi tiếng trên mạng xã hội nhiều năm nay do tích cực phản biện, chống bất công và có nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó đặc biệt nổi bật là việc bà đấu tranh chống các trạm thu phí đường bộ đặt ở các vị trí bất hợp lý và cứu trợ những người nguy khốn vì đại dịch COVID-19.

Theo tìm hiểu của VOA, điều số 36 trong luật về xuất, nhập cảnh năm 2019 của Việt Nam đặt ra quy định về 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, bao gồm “người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh” được nêu ra trong mục số 9.

Những trường hợp khác bị cấm xuất cảnh tạm thời là các bị can, bị cáo; người có liên quan đến án phạt tù đang trong thời gian thử thách; người có nghĩa vụ về án dân sự; người phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, v.v…

Trước trường hợp bà Ngô Thị Oanh Phương, chính quyền Việt Nam đã cấm xuất cảnh đối với nhiều nhà hoạt động, nhà tranh đấu, nhà bất đồng chính kiến và nhà phản biện khác như tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Võ An Đôn, tín hữu Cao Đài Nguyễn Xuân Mai, tín đồ Tin Lành Y Sĩ Êban, linh mục Trương Hoàng Vũ…

Your browser doesn’t support HTML5

Facebooker lên tiếng phản biện và chống tiêu cực bị cấm xuất cảnh