Giám đốc IAEA thăm địa điểm quân sự gây tranh cãi của Iran

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) hội đàm với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano (trái) trong một cuộc gặp gỡ ở Tehran, Iran, ngày 20 tháng 9, 2015.

Cơ quan hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết giám đốc của cơ quan này đã lần đầu tiên đến thăm một địa điểm quân sự gây tranh cãi của Iran mà các nhà phân tích phương Tây cho là nơi các nhà khoa học Iran tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm bí mật trong khi họ tìm cách chế tạo một quả bom hạt nhân.

Một phát ngôn viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna hôm Chủ nhật nói rằng trưởng cơ quan Yukiya Amano đã đến thăm cơ sở Parchin nằm về phía đông thủ đô Tehran trong chuyến thăm gần đây.

Chuyến thăm của ông diễn ra giữa lúc Iran và sáu cường quốc thế giới đang nỗ lực thi hành một thỏa thuận nhằm chấm dứt thế đối đầu kéo dài 13 năm về tham vọng hạt nhân của Tehran.

Thông tấn xã Sinh viên Iran, một hãng tin bán chính thức, hôm Chủ nhật dẫn lời quan chức hạt nhân của Iran Ali Akbar Salehi nói rằng chuyến thăm của ông Amano "diễn ra tốt đẹp và nằm trong lộ trình đã nhất trí" để thi hành thỏa thuận.

Thỏa thuận, loan báo vào tháng 7, buộc Iran phải cắt giảm hoạt động tinh chế uranium của mình để không chế tạo được vũ khí hạt nhân, nhằm đổi lấy việc nới lỏng những biện pháp chế tài kinh tế nghiêm khắc của phương Tây đã làm điêu đứng nền kinh tế của Iran.

Tehran đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc của phương Tây về những hoạt động tại Parchin, nói rằng những cáo buộc đó là sai trái và dựa trên những thông tin có ác ý.

Trong khi đó một hạn chót ngày 15 tháng 12 đang tiến gần cho việc hoàn tất một cuộc điều tra của IAEA về những cáo buộc nói rằng Tehran - trước 2003 - đã nghiên cứu chế tạo một quả bom nguyên tử.

Tuần trước, Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã không thể ngăn chặn việc thực thi thỏa thuận hồi tháng 7, đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Tehran và các phái viên của Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng với Đức.

Phe Cộng hòa đã tìm cách ngăn chặn thỏa thuận này cho đến khi Tehran chính thức công nhận Israel và phóng thích những người Mỹ đang bị Iran giam giữ. Phe Dân chủ đã hợp lực ngăn chặn nỗ lực của phe Cộng hòa, lập luận rằng thỏa thuận này và những cuộc đàm phán trong tương lai với Iran là tốt hơn tình trạng bế tắc và thù địch bắt nguồn từ hai thập niên chế tài cấm chỉ bất kỳ hoạt động thương mại nào của Mỹ với Tehran.