Giữa lúc căng thẳng với Nga đang ầm ĩ, NATO tiến hành tập trận lớn

Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, ngoài khơi Bồ Đào Nha, ngày 27/5/2021.

Giữa lúc căng thẳng với Nga đang ầm ĩ, hàng nghìn binh sĩ NATO, hàng chục tàu chiến và máy bay tham gia các cuộc tập trận trải dài trên Đại Tây Dương, qua châu Âu và vào khu vực Biển Đen, theo hãng tin AP.

Cuộc tập trận mang tên Steadfast Defender 21, nhằm mô phỏng phản ứng của tổ chức quân sự gồm 30 quốc gia trước một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của tổ chức này.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh đã triển khai quân đội và thiết bị ở Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan nhằm tìm cách trấn an các thành viên láng giềng của Nga rằng các đối tác của họ sẽ tiếp cứu nếu các nước này bị tấn công.

Hồi tháng trước, việc Nga đưa hàng nghìn binh sĩ tới khu vực biên giới với Ukraina đã làm dấy lên lo ngại tại liên minh quân sự NATO.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của NATO nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận quân sự này, với sự tham gia của khoảng 9.000 binh sĩ từ 20 quốc gia, không nhằm đặc biệt vào Nga, nhưng họ tập trung vào khu vực Biển Đen, nơi Nga bị cáo buộc đã ngăn chặn tàu thuyền đi lại.

Cuộc tập trận của NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các cuộc tập trận gửi đi một thông điệp quan trọng tới bất kỳ đối thủ tiềm năng nào: “NATO sẵn sàng”.

“NATO có mặt ở đó để bảo vệ tất cả các đồng minh của chúng tôi, và cuộc tập trận này gửi đi một thông điệp về khả năng của chúng tôi trong việc vận chuyển một số lượng lớn quân đội, thiết bị qua Đại Tây Dương, qua châu Âu và cũng để thể hiện sức mạnh hàng hải,” ông Stoltenberg nói với hãng tin AP khi đang có mặt trên tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth ngoài khơi Bồ Đào Nha.

Ông Stoltenberg sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào ngày 14/6 với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và những người đồng cấp của ông mong muốn mở ra một kỷ nguyên mới cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương, khi các binh sĩ Mỹ rời nhiệm vụ lâu nhất từ trước đến nay ở Afghanistan trong khi căng thẳng với Nga vẫn gia tăng.

NATO cho biết chính sách của họ đối với Nga dựa trên hai trụ cột: vừa răn đe quân sự mạnh mẽ và vừa đối thoại.