Cải tổ quốc nội của ông Gorbachev ly khai với quá khứ

  • Andre Nesnera

Ông Mikhail Gorbachev đã đưa đến những thay đổi to lớn trong dòng lịch sử và cuối cùng làm tan rã liên bang Xô Viết

Ông Gorbachev, lãnh tụ Xô Viết cuối cùng vừa mừng sinh nhật 80 tuổi hôm 2 tháng Ba. Trong bài tường trình sau đây, thông tín viên Andre De Nesnera của đài VOA xét đến những thay đổi ngoạn mục mà ông đã thực hiện cho chính tình quốc nội.

Vào ngày 11 tháng Ba năm 1985, ông Gorbachev được bầu vào chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng Sản liên bang Xô Viết. Ở tuổi 54, ông là nhân vật trẻ tuổi nhất trong bộ chính trị, cơ chế đã đưa ông lên cầm quyền. Trong sáu năm kế tiếp, ông Gorbachev đã cho thiết đặt những chính sách sau đó đã đưa đến những thay đổi to lớn trong dòng lịch sử và cuối cùng làm tan rã liên bang Xô Viết.

Trên mặt trận quốc nội, ông Gorbachev cho áp dụng chính sách "glasnost" và "perestroika."

Theo giáo sư Archie Brown, giảng sư lão thành tại đại học Oxford, Anh quốc, cho biết hai từ này đã thay đổi ý nghĩa theo thời gian. Ông nói:

"Ban đầu, từ 'glasnost' có nghĩa là cởi mở hơn, nhưng dần dà nó trở thành quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản. Cuốn Bác Sỹ Zhivago của nhà văn Boris Pasternak được xuất bản năm 1988. Và thật là điều tuyệt diệu, tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù (Gulag Archipelago) của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn được xuất bản năm 1989. Vì thế những sự kiện này đã vượt xa ý nghĩa của từ glasnost năm 1985."

Còn đối với "perestroika", giáo sư Archie Brown giải thích rằng ban đầu nó đồng nghĩa với cải tổ, hay là một hình thức nói trại đi của từ cải tổ, vì dưới thời Leonid Brezhnev, ngay cái từ "cải tổ" đã là một cấm kỵ. Nhưng một lần nữa, dần dà từ này có nghĩa rộng hơn lúc đầu. Đến năm 1988, nó bắt đầu mang ý nghĩa là chuyển đổi chính trị.

Giáo sư Brown cho rằng những chính sách đối nội của ông Gorbachev trong 6 năm tại chức đã ly khai với quá khứ Xô Viết. Trong sáu năm đó, các tù nhân chính trị, những người bất đồng chính kiến bị giam hay lưu đầy trong nước được trả tự do, trong số này có cả nhà tranh đấu cho nhân quyền Andrei Sakharov; việc thiết lập quyền tự do hành đạo, và chấm dứt ngược đãi các giáo hội, tự do thông tin ngang qua các biên giới, kể cả việc chấm dứt phá sóng các đài phát thanh nước ngoài, cho phép phát triển xã hội dân sự và tiến tới nhà nước pháp quyền.

Theo giáo sư Brown có một cải tổ then chốt, đó là: "Tổ chức các cuộc bầu cử ganh đua để thiết lập một cơ quan lập pháp có thực quyền. Quyết định đó được đưa ra năm 1988 và nó được thực thi để tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội Đại biểu Nhân Dân Liên Bang Xô Viết vào tháng Ba năm 1989. Tôi cho rằng sự kiện này đánh dấu việc giải phóng toàn bộ hệ thống để tiến tới dân chủ hóa. Tuy nó chưa bao giờ là một nền dân chủ toàn diện nhưng dẫu gì chăng nữa, tiến trình dân chủ hóa thực sự đã được xúc tiến vào lúc đó."

Theo các chuyên gia thì có một định chế mà ông Gorbachev không thể cải tổ, đó là đảng Cộng Sản Xô Viết. Ông chỉ có thể đưa ra thêm nhiều cuộc tranh luận tại các cuộc họp đảng và một vài sự minh bạch trong tiến trình làm việc của đảng nhưng theo các chuyên gia, ông Gorbachev đã không đi đủ xa.

Ông Robert Legvold, chuyên gia của đại học Columbia, thành phố New York, đưa ý kiến: "Ông Gorbachev rất chậm trong việc cải tổ giới lãnh đạo trong nội bộ đảng Cộng sản. Và tôi cho rằng điều đó cuối cùng đã gây tại hại cho ông, vì ông vẫn để nguyên hầu hết bộ máy thư lại cấp trung và trên một chút nữa ở nguyên trạng, gồm những người không có tý thiện cảm gì với những thay đổi mà ông cố gắng đưa ra."

Một số chuyên gia, kể cả giáo sự Archie Brown tại đại học Oxford, cho rằng cái thất bại rõ nét nhất của ông Gorbachev trong tư thế lãnh đạo liên bang Xô Viết là cải tổ kinh tế. Ông nói: "Trong 5 năm đầu, công cuộc cải cách kinh tế hằng ngày nằm trong tay ông Nikolai Ryzhkov, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và phần lớn ông là nhà cải tổ thiên về kỹ thuật. Dần dà ông Ryzhkov cũng có thể thấy được là cần phải có một nền kinh tế thị trường, nhưng ông lại rất miễn cưỡng không muốn thực hiện các bước tiến theo chiều hướng đó. Và chính ông Gorbachev thì lại không thúc đẩy, vì ông biết rõ là công cuộc chuyển đổi rất khó khăn, và thực sự nó rất khó như chúng ta thấy trong những năm của thập niên 1990."

Mãi về sau, theo giáo sư Brown, ông Gorbachev mới tin là nền kinh tế thị trường là điều thiết yếu, nhưng lúc đó đã quá muộn.

Theo các chuyên gia thì ông Gorbachev đã buông lỏng các lực lượng mà về sau ông đã không thể nào kiểm soát được nữa, những lực lượng đã đưa tới việc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Đông Âu và cuối cùng làm tan rã Liên bang Xô Viết vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, khi ông Mikhail Gorbachev từ chức chủ tịch liên bang này.