Hạ viện Mỹ sắp biểu quyết chế tài Bắc Triều Tiên

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un xem một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng.

Hạ viện Mỹ ngày hôm nay sẽ biểu quyết về một biện pháp chế tài có thể ngăn Bắc Triều Tiên tiếp cận những loại chỉ tệ mạnh mà họ cần có cho chương trình vũ khí hạt nhân. Từ Điện Capitol, thông tín viên Cindy Saine của đài VOA tường thuật.

Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Hạ viện, Dân biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa là người bảo trợ cho dự luật chế tài, được xem như để đáp lại việc Bắc Triều Tiên loan báo trong tuần trước là đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư - cho nổ một quả bom nhiệt hạch với sức tàn phá mãnh liệt.

Nhiều người không tin vụ nổ đó là do bom nhiệt hạch gây ra.

Dân biểu Royce nói mối đe dọa về những tiến triển về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là không thể chấp nhận được, và Hạ viện nên dẫn đầu trong việc ứng phó. Ông nói:

“Sự quan trọng của dự luật này nằm ở chỗ sử dụng những áp lực tài chánh và kinh tế để không cho ông Kim Jong Un và các giới chức cao cấp của ông ấy tiếp cận với những tài khoản mà họ có tại các ngân hàng nước ngoài và những loại chỉ tệ mạnh để giữ vững sự cai trị của họ.”

Các biện pháp chế tài

Luật Chấp hành Chế tài Bắc Triều Tiên sẽ cho phép tịch thu các tài sản có liên hệ về việc phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, những hoạt động bất hợp pháp và những vi phạm nhân quyền. Luật này sẽ không cho phép các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ, và làm áp lực lên tổng thống để chế tài những cá nhân dính líu tới những cuộc tấn công trên mạng chống lại nước Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã họp khẩn vài giờ sau khi phát giác cuộc thử nghiệm hạt nhân ngày 6 tháng 1 vừa qua. Họ cũng đang cứu xét những chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên vì “vi phạm trắng trợn” những nghị quyết trước đây của Liên hiệp quốc.

Hội đồng chấp thuận những chế tài gần đây nhất chống lại Bắc Triều Tiên 3 tuần lễ sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12 tháng 2 năm 2013.

Dân biểu Royce và những dân biểu Cộng hòa khác nói chiến lược của Tổng thống Obama được gọi là “kiên nhẫn có tính chiến lược” với Bắc Triều Tiên là không hữu hiệu. Ông cũng thừa nhận là nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của nhiều vị tổng thống khác nhau, đã thất bại trong việc ngăn chặn những tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Dân biểu Gerald Connolly, thuộc đảng Dân chủ, nói điều thiết yếu là phải luôn luôn nhớ đến những thiệt hại về sinh mạng mà chương trình hạt nhân tốn kém này gây ra cho người dân ở Bắc Triều Tiên.

"Bắc Triều Tiên là một nước hoang tưởng, cẩu thả, coi thường tất cả mọi khía cạnh đời sống của con người và hiện nay đã có ô dù hạt nhân. Điều này làm cho bán đảo Triều Tiên trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới.”

Ông Connolly nói thêm là dự luật chế tài được đề nghị sẽ cung cấp một trợ giúp nhân đạo đặc biệt cho Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ là nước tài trợ nhân đạo và viện trợ thực phẩm lớn nhất cho Bắc Triều Tiên.

Hành động của Thượng viện

Các thành viên của Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện vào cuối ngày hôm qua đã được nghe thuyết trình mật về cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.

Chủ tịch Uỷ ban, Thượng nghị sĩ Bob Corker, thuộc đảng Cộng hoà, nói với Đài VOA là Hoa Kỳ, trong một thời gian khá lâu, đã để cho Bắc Triều Tiên đạt được tiến bộ trong chương trình hạt nhân của họ.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine, thuộc đảng Dân chủ, nói với Đài VOA rằng Hoa Kỳ khó gây ảnh hưởng lên Bắc Triều Tiên vì không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, ông nói Washington phải yêu cầu các nước có liên hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc, dùng ảnh hưởng của họ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc đã chỉ trích Bắc Triều Tiên, đồng minh chính yếu của họ. Nhưng Bắc Kinh vẫn do dự và không muốn ủng hộ những chế tài nghiêm nhặt hơn, có thể gây bất ổn định dọc theo biên giới Trung Quốc và gây nên những xung đột khác nữa.

Trong khi đó, Washington và Seoul đang thảo luận để điều động thêm các loại khí tài quân sự--như máy bay ném bom B-52 có khả năng mang bom nguyên tử đã bay trên bầu trời Nam Triều Tiên vào ngày Chủ Nhật vừa qua để biểu dương lực lượng—nhằm tăng cường khả năng phòng vệ.

Cũng có tin đồn là một tàu sân bay của Mỹ có thể được phái đến vùng biển Triều Tiên.

Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ nói họ không có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân ở Nam Triều Tiên, một việc có thể làm cho Trung Quốc bất bình và gây nên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực.