Hài độc thoại qua lăng kính của nữ diễn viên Mỹ gốc Việt Rosie Trần

Nữ diễn viên hài độc thoại Rosie Trần. (Ảnh do nhân vật cung cấp.)

Mặc dù từng lọt vào vòng chung kết khu vực Los Angeles cho show truyền hình ‘Last Comic Standing’ của NBC mùa thứ sáu, thắng giải “Tài năng Hài Quốc gia” trong liên hoan LA Comedy Awards 2010, và được đề cử cho giải ‘Diễn viên hài xuất sắc nhất’ trong liên hoan LA Comedy Awards 2011, Rosie Trần, một người Mỹ gốc Việt, mãi đến khi 18 tuổi mới có ý định trở thành một diễn viên hài độc thoại, khi chị đến với bộ môn này hoàn toàn một cách tình cờ. Đã từng biểu diễn nhiều nơi cả ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới cho các binh sĩ Mỹ, VOA Việt ngữ có cuộc trò chuyện với chị Rosie Trần để tìm hiểu thêm về những đặc điểm của bộ môn hài độc thoại và những trải nghiệm của chị khi là một nữ diễn viên hài độc thoại.

Your browser doesn’t support HTML5

Hài độc thoại qua lăng kính của nữ diễn viên Mỹ gốc Việt Rosie Trần


VOA: Xin chào chị Rosie. Xin cám ơn chị đã nhận lời trò chuyện cùng VOA ngày hôm nay. Trước tiên xin được hỏi, chị trở thành diễn viên hài độc thoại từ khi nào và như thế nào?

Chị Rosie Trần: Tôi bắt đầu đến với hài độc thoại khi tôi 18 tuổi. Cái duyên của tôi với bộ môn hài độc thoại này là khi tôi hẹn hò với một anh chàng và anh ấy mong muốn trở thành một diễn viên hài độc thoại. Tôi lúc đó thì rất rụt rè và anh ấy đã khuyến khích tôi đến với hài độc thoại. Khi anh ấy mới bắt đầu, tôi đã giúp anh ấy viết những mẩu chuyện cười. Mỗi khi tôi đưa cho anh ấy bản thảo, mọi người đều cảm thấy chuyện của tôi hài hước và làm mọi người cười. Nhưng sau đó chúng tôi đã chia tay. Khoảng sáu tháng sau, tôi bắt đầu thử lên sân khấu và tôi đã yêu nó từ lúc đó.

VOA: Có người nói rằng một trong những điều về sự hài hước là bạn phải có khiếu hài hước bẩm sinh trong người, nếu không thì cho dù làm việc chăm chỉ đến đâu thì bạn cũng thể nào trở thành hài hước được. Chị nghĩ gì về điều này?

Chị Rosie Trần: Tôi không biết bạn nghe được điều đó ở đâu nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Hài độc thoại là một bộ môn cần tới kỹ năng, không phải là một môn nghệ thuật. Kỹ năng là một thứ gì đó mà bạn có thể cố gắng chăm chỉ và bạn sẽ tiến bộ. Tôi đã quan sát thấy nhiều người là những diễn viên hài rất dở, họ không hài hước chút nào, nhưng họ cố gắng qua nhiều năm và họ đã trở thành những diễn viên rất hài hước.

VOA: Cũng có người nói rằng phụ nữ không hài hước bằng đàn ông. Vậy chị nghĩ sao?

Chị Rosie Trần: Tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn không đúng. Trong thực tế, tôi nghĩ phụ nữ hài hước hơn đàn ông nói chung, đặc biệt là trong bộ môn hài độc thoại, bởi lẽ phụ nữ vốn có năng khiếu kể chuyện. Tôi nghĩ lý do mà có nhiều người nghĩ như thế là vì chúng ta không có nhiều diễn viên hài độc thoại là phụ nữ trong bộ môn hài độc thoại nói chung. Tỷ lệ giữa nam và nữ là không cân đối. Nếu nói về tỷ lệ thì có rất rất nhiều nam diễn viên hài độc thoại không buồn cười chút nào. Thông thường, khi bạn đến một buổi biểu diễn, có thể có 10 nam diễn viên và một nữ diễn viên biểu diễn. Nếu người phụ nữ không hài hước thì mọi người sẽ nói họ không nghĩ phụ nữ hài hước. Nhưng trong khoảng 10 nam diễn viên trong cùng buổi biểu diễn đó, có khoảng 3,4 người hài hước. Như vậy, về tỷ lệ thì không phải là 10 nam diễn viên với 10 nữ diễn viên bởi vì chúng ta có ít nữ diễn viên hơn rất rất nhiều.

Bên cạnh đó, tại Mỹ, sân khấu lớn nhất cho hài độc thoại là kênh Comedy Central. Theo nghiên cứu thị trường, đối tượng khán giả mà Comedy Central muốn nhắm tới là đàn ông da trắng trong độ tuổi từ 18-32, vì vậy mà họ sẽ phát triển theo đà mà thị trường đang hướng tới.

Để nói phụ nữ không hài hước bằng đàn ông, tôi nghĩ đó là một lời nói dối. Chúng ta cũng chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này nhưng tôi nghĩ là nó có thể được chứng minh bằng biện pháp khoa học nếu có ai có ý định nghiên cứu nó. Bản thân tôi biểu diễn hài độc thoại suốt, tôi đi xem hài độc thoại rất nhiều, và tôi thấy phụ nữ hài hước ở khắp nơi.

Ngoài ra, mọi người cũng không đi xem hài độc thoại thường xuyên. Phần lớn những người mà tôi biết chỉ đi xem hài độc thoại một năm một, hai lần, và thông thường là không có nhiều nữ diễn viên biểu diễn, và vì thế mà họ không được tiếp xúc với những người phụ nữ hài hước.

VOA: Theo chị thì tại sao chúng ta lại có ít nữ diễn viên hài độc thoại như vậy?

Chị Rosie Trần: Bởi vì hài độc thoại là một ngành nghề vô cùng khó khăn. Để thành công, bạn phải làm việc vô cùng chăm chỉ. Đối với phụ nữ, sẽ là rất khó khăn khi phải đi xa, lưu diễn. Nhiều phụ nữ muốn có con, muốn lập gia đình, và sẽ rất khó để đi lưu diễn khi bạn là phụ nữ.

Sân khấu chủ yếu của hài độc thoại là các quán bar, hộp đêm, và đó không phải là một môi trường thân thiện với phụ nữ. Nhiều người tổ chức show diễn, quảng cáo show diễn, chủ câu lạc bộ là đàn ông. Rất nhiều người trong số họ lại mời những diễn viên hài khác cũng là đàn ông bởi vì đó là những việc mà họ cảm thấy quen. Nó giống như là ngành xây dựng, viết kịch bản truyền hình, hay những ngành nghề khác mà có nhiều đàn ông hơn hẳn phụ nữ.

Hay như trong quân đội, một nơi mà chủ yếu là đàn ông, tôi đã gặp rất nhiều binh sĩ quân đội và họ kể cho tôi rằng họ chỉ học được cách tôn trọng các nữ binh sĩ khi họ vào quân đội vì đó là khi họ nhận ra là mọi việc khó khăn cho các nữ binh sĩ như thế nào. Tôi cảm thấy đây cũng giống như hài độc thoại, bộ môn có chủ yếu đàn ông, rất khó cho phụ nữ có thể phá vỡ được các rào cản về mặt đi lại, về thành kiến đối với phụ nữ, và về hệ thống cấp bậc đàn ông-phụ nữ đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Một clip hài độc thoại do chị Rosie Trần cung cấp:


VOA: Cá nhân chị thì chị có yêu thích diễn viên hài độc thoại nào không?

Chị Rosie Trần: Có, phần lớn những diễn viên hài yêu thích của tôi là phụ nữ. Tôi không nói vậy bởi vì tôi là phụ nữ, mà bởi vì có rất nhiều màn diễn hài độc thoại của phụ nữ luôn tồn tại với thời gian. Phụ nữ thường có xu hướng tập trung về các mối quan hệ trong phần nội dung của các màn diễn hài, vì vậy mà những câu chuyện mà các nữ diễn viên hài độc thoại kể là về các mối quan hệ. Trong khi đó, có nhiều nam diễn viên hài độc thoại lại thiên về những đề tài mang tính thời sự, đang được quan tâm. Và vì thế mà theo ý kiến của tôi thì những câu chuyện như thế không hiệu quả được lâu. Tôi là fan hâm mộ lớn của Joan Rivers, Margaret Cho, Ellen…

Lý do mà tôi nói như vậy là vì có lần tôi tình cờ xem được một đĩa DVD từ những năm 80 mà tôi không nhớ rõ tên lắm nhưng trong đó chỉ có toàn nam diễn viên hài, Caroline Rhea là nữ diễn viên hài duy nhất xuất hiện trong đó. Những chuyện đùa của cô ấy chỉ toàn về các mối quan hệ, về chuyện giữa cô ấy và bạn trai. Cho tới tận ngày nay, năm 2014 này, những câu chuyện đùa đó vẫn còn có ý nghĩa. Bạn biết đấy, khi bạn nói về mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ, những điều đó hoàn toàn có thể liên hệ được từ 100 năm trước hay 100 năm sau trong tương lai. Còn những nam diễn viên chủ yếu nói về những vấn đề thời sự. Trong đĩa DVD đó có Jim Carrey, anh ấy đã biểu diễn theo lối hài hình thể mà trong thời đại ngày nay, lối hài đó trở nên rất sến súa.

Những mối quan hệ sẽ không bao giờ trở nên cũ kỹ bởi vì ai cũng sẽ gặp phải nó. Tuy nhiên cũng có một số nữ diễn viên hài độc thoại không đi theo lối đó như là Sarah Silverman. Cô ấy nói về những vấn đề thời sự được quan tâm nhiều và cả những vấn đề căng thẳng. Amy Schumers cũng đi theo hướng đó. Hiện có khá nhiều những nữ diễn viên đi theo hướng đó để cố gắng hòa nhập vào xu thế chung hiện nay, nhưng nếu nhìn vào những diễn viên hài đi theo lối truyền thống, tất cả những nội dung của họ từ những năm 60, 70, 80, 90, bạn vẫn có thể liên hệ tới trong thời đại hiện nay.

VOA: Dành cho những người phụ nữ mong muốn hoặc đang cố gắng hết sức mình để trở thành diễn viên hài độc thoại thành công, chị có lời khuyên gì cho họ?

Chị Rosie Trần: Lời khuyên của tôi là hãy luôn tự tin và có một cuộc sống cá nhân thực sự vững chắc trong một môi trường được mọi người ủng hộ. Phần viết kịch bản, tin hay không tùy bạn, nhưng đó là phần rất dễ. Chuyện ngồi viết kịch bản, làm việc chăm chỉ, thực ra rất máy móc. Nhưng bộ môn này là một ngành rất khắc nghiệt. Điều những người làm trong ngành này là cần những người yêu quý, ủng hộ, và hiểu họ, bởi vì không ai có thể biết bài hài hước nếu họ không nghe chuyện hài của bạn. Và cũng không ai nghe được chuyện hài của bạn nếu bạn không ra ngoài, mạnh dạn lên sân khấu biểu diễn, phát hành DVD, CD, làm việc thật chăm chỉ. Bạn sẽ không thể làm được những điều này nếu bạn không có một hậu phương vững chắc ủng hộ bạn. Nói gọn lại, chuyện viết kịch bản chỉ là bước thứ hai, điều quan trọng nhất là hãy sống một cuộc sống thật tốt, nhận được sự ủng hộ từ gia đình, và đảm bảo rằng bạn luôn chơi với những người lạc quan.

VOA: Xin chân thành cảm ơn chị Rosie Trần đã dành cho VOA cuộc trò chuyện này.

Nguồn: Facebook Comedian Rosie Tran, VOA interview.