Nam, Bắc Triều Tiên hạ giảm tư thế chiến tranh sau thỏa thuận

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một cuộc tập trận hải quân trong hình ảnh không ghi ngày tháng do thống tấn xã Bắc Triều Tiên phát hành tháng 6/2015.

Nam Triều Tiên hôm thứ Tư cho hay Bắc Triều Tiên đã giảm bớt tư thế sẵn sàng của quân đội sau khi hai bên đạt đến một thỏa thuận hạ giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Các giới chức xác nhận rằng Bắc Triều Tiên bỏ "lệnh gần như tình trạng chiến tranh" tiếp theo sau thỏa thuận hôm thứ Ba, và nói thêm rằng phía Nam Triều Tiên cũng đáp lại bằng việc hạ giảm tư thế phòng thủ.

Theo thỏa thuận, Bắc Triều Tiên đã "xin lỗi" về một vụ nổ mìn hồi gần đây làm bị thương hai binh sĩ Nam Triều Tiên. Đổi lại, Seoul chấm dứt phát thanh tuyên truyền sang miền Bắc.

Hai bên cho biết sẽ nối lại chương trình đoàn tụ vào tháng 9 cho các gia đình bị ly tán vì cuộc xung đột trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hai bên cũng đồng ý sớm mở lại các cuộc đàm phán, hoặc ở Bình Nhưỡng, hoặc ở Seoul, về việc cải thiện quan hệ.

Seoul hôm thứ Tư đưa ra dấu hiệu rằng những cuộc đàm phán đó có thể bao gồm thảo luận về việc dỡ bỏ các chế tài được áp dụng từ ngày 24 tháng 5 năm 2010 tiếp theo sau vụ một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị bắn chìm và các binh sĩ thiệt mạng.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Jeong Joo-hee nói: "Nếu đàm phán được tiến hành giữa Nam và Bắc Triều Tiên, tôi nghĩ vấn đề chế tài ngày 24 tháng 5 sẽ được miền Bắc nêu lên. Đó là một vấn đề mà có thể hoàn toàn giải quyết được qua đối thoại."

Seoul lâu nay kiên quyết rằng trước khi các lệnh chế tài được dỡ bỏ, Bắc Triều Tiên phải xin lỗi về vụ tấn công đã làm thiệt mạng 46 thủy thủ Nam Triều Tiên. Bình Nhưỡng bác bỏ mọi dính líu trong vụ này.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun Hye đang bị áp lực trong nước ngày càng tăng đòi cải thiện quan hệ với miền Bắc, nhất là sau những căng thẳng đã đẩy hai nước đến nguy cơ nổ ra chiến tranh trong mấy tuần qua.

Hai bên đã triển khai binh sĩ và khí giới nhằm tăng cường tư thế sẵn sàng của quân đội và chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra. Hai miền Triều Tiên hồi tuần trước thậm chí đã nã đạn pháo qua lại gần một tháp loa phóng thanh ở biên giới.

Bắc Triều Tiên dọa sẽ tấn công dàn loa phóng thanh, sau khi Seoul bắt đầu sử dụng hệ thống này để phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng lần đầu tiên sau 10 năm. Các tuyên truyền được phát thanh được xem như một hành động đáp lại vụ nổ mìn ở biên giới.