Nam Triều Tiên trấn an các công ty về du lịch Bắc Triều Tiên

Du khách xem bản đồ tại Khu nghỉ mát núi Kim Cương. Hiệp hội Các nhà đầu tư Tour du lịch Núi Kim Cương của Nam Triều Tiên cho biết việc ngưng chỉ các tour du lịch làm cho các công ty trong hiệp hội bị mất đi 750 triệu đô la doanh thu.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên hôm nay gặp các nhà đầu tư trong công nghiệp du lịch để thảo luận về vấn đề bồi thường cho những hoạt động du lịch Núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên bị tạm ngưng trong nhiều năm qua. Chính quyền Bình Nhưỡng thiếu thốn tiền bạc đã thúc giục cho việc thực hiện lại những tour du lịch, nhưng Seoul nói rằng họ muốn có những bảo đảm về an toàn trước đã. Từ thủ đô của Nam Triều Tiên, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất, ông Ryoo Kihl Jae, hôm nay đã gặp các giới chức của khoảng 40 công ty Nam Triều Tiên đầu tư vào khu du lịch Núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên.

Năm 2008, các tour du lịch đã bị tạm ngưng sau khi một phụ nữ Nam Triều Tiên đi lạc vào một bãi biển do quân đội kiểm soát và bị bắn chết. Bình Nhưỡng nói rằng du khách đó đã không tuân lệnh của các binh sĩ và đã bỏ chạy. Họ không cho phép Nam Triều Tiên tiến hành một cuộc điều tra về vụ này.

Hiệp hội Các nhà đầu tư Tour du lịch Núi Kim Cương của Nam Triều Tiên cho biết việc ngưng chỉ các tour du lịch làm cho các công ty trong hiệp hội bị mất đi 750 triệu đô la doanh thu.

Ông Chung Kwan Soo, Chủ tịch Công ty Lữ hành Nobless [No bless], cho biết lệnh cấm này đã buộc công ty ông phải sa thải nhân viên.

Ông Chung nói rằng công ty ông nằm trong số khoảng 120 công ty lữ hành và xe khách đã đóng cửa hoặc giảm bớt nhân viên. Ông cho biết cuộc sống của hơn 30.000 người ở Nam Triều Tiên, bao gồm các nhân viên và gia đình của họ, phụ thuộc vào hoạt động du lịch Núi Kim Cương; và bây giờ họ đang bị khốn đốn vì không có công ăn việc làm.

Bộ trưởng Ryoo không cho biết chính phủ sẽ bồi thường cho các nhà đầu tư như thế nào. Nhưng khi phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài hôm thứ ba, ông đã bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ cho những người này.

Người đứng đầu Bộ Thống nhất nói rằng các tour du lịch đã bị ngưng trong 5 năm qua và Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm đối với việc ngưng chỉ này. Ông cho biết dự án này có thể được thực hiện lại khi nào nguyên do và trách nhiệm của Bắc Triều Tiên được xác định một cách rõ ràng và khi nào có một biện pháp để qui định vấn đề trách nhiệm.

Khu du lịch miền núi này là một đặc khu hành chánh được thiết lập năm 1998 với sự hỗ trợ của công ty Hyundai Asan của Nam Triều Tiên. Công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đô la cho dự án này và nói rằng việc đóng cửa khu du lịch làm cho họ bị thiệt hại hơn 600 triệu đô la. Vào lúc này, Hyundai Asan không đòi chính phủ bồi thường.

Những thắng cảnh thiên nhiên của Núi Kim Cương làm cho nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách Nam Triều Tiên. Khoảng 2 triệu người đã đến thăm khi nơi này còn mở cửa hoạt động.

Trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đã nhiều lần thúc đẩy cho việc mở lại khu du lịch, vốn là một nguồn ngoại tệ mà họ rất cần. Nhưng Nam Triều Tiên muốn có một sự bảo đảm về an toàn cho du khách của mình. Bắc Triều Tiên cũng đã tiếp thu những tài sản của Nam Triều Tiên trị giá hàng trăm triệu đô la ở khu này và Seoul muốn Bình Nhưỡng trả lại.

Ông Chung Kwan Soo, Chủ tịch Công ty Lữ hành Nobless, cho rằng cả hai bên đều có trách nhiệm đối với vụ bế tắc hiện nay.

Ông Chung nói rằng tình trạng tiến bộ chậm chạp cứ kéo dài bởi vì sự tính toán của đôi bên khác nhau quá xa. Ông nói rằng vấn đề đã nẩy sinh vì không bên nào chịu nhượng bộ và tình trạng này sẽ không chấm dứt cho tới khi nào đôi bên ngưng tranh cãi về những chuyện đã qua.

Trong một nỗ lực để giải quyết vụ bế tắc, hồi tháng hai năm nay Nam Triều Tiên đã cho phép thực hiện những dự án đầu tư mới ở Núi Kim Cương.

Hai miền Triều Tiên cũng đã họp với nhau hồi đầu tháng này để bàn về việc mở lại các tour du lịch.

Tiến bộ này đạt được sau khi đôi bên đồng ý mở lại khu công nghiệp chung ở Kaesong và thực hiện lại những cuộc xum họp cho các gia đình bị ly tán vì cuộc chiến Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950.

Tuy nhiên, trong lúc các hoạt động ở khu phức hợp Kasoeng được bắt đầu lại một cách chậm chạp, Bắc Triều Tiên đã đột ngột đình hoãn những cuộc xum họp gia đình và cuộc thảo luận về Núi Kim Cương.

Bình Nhưỡng nói rằng Seoul có thái độ thù địch và giành hết mọi công lao đối với việc quan hệ song phương được cải thiện.