Hậu vụ cháy Rạng Đông: Dân kéo nhau khám sức khỏe, ‘cầu cứu’ lãnh đạo

Người dân kéo đến trụ sở công ty Rạng Đông đòi "đối thoại" vào ngày 6/9/2019.

Một ngày sau khi Hà Nội công bố nồng độ thủy ngân trong khu vực xung quanh vụ cháy Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông vượt ngưỡng từ 10-30 lần mức độ cho phép, người dân trong khu vực hôm 6/9 đã đổ xô đến các địa điểm khám miễn phí để kiểm tra sức khỏe, giữa lúc một nhóm hàng chục người khác, trên tay cầm đơn thư cầu cứu gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, kéo nhau đến trụ sở công ty Rạng Đông yêu cầu đối thoại với lãnh đạo công ty.

Phản ứng của người dân chỉ bắt đầu diễn ra sau hơn một tuần xảy ra vụ cháy kho hàng của công ty Rạng Đông khiến cho gần 30 kg thủy ngân tự do phát tán ra môi trường suốt tuần qua.

Từ ‘thu hồi’ đến ‘hỏa tốc’

Báo Người Lao Động phỏng vấn một số người dân đi “biểu tình” trước trụ sở công ty Rạng Đông cho biết họ thấy “bất an” và lo ngại cho sức khỏe sau khi nghe kết quả phiên họp báo Chính phủ ngày 4/9, trong đó thông tin về nồng độ thủy ngân trong khu vực lần đầu được công khai cho biết “vượt ngưỡng từ 10 đến 30 lần cho phép”, sau khi hàng triệu bóng đèn compact chứa thủy ngân đã bị tiêu hủy trong vụ cháy.

Những người dân đi đòi “đối thoại” tại công ty Rạng Đông được mô tả là “đều mang theo đơn, thư cầu cứu gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan chức năng”.

Trong khi đó, hàng trăm người dân khác đồng loạt kéo đến các điểm khám miễn phí dành cho người dân trong khu vực cháy vào ngày 6/9 để kiểm tra sức khỏe sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo thành lập các tổ khám trong khu vực.

Trước đó, khi vừa xảy ra vụ cháy vào tối 28/8, UBND phường Hạ Đình đã ra thông báo yêu cầu người dân không ăn thực phẩm trong vòng bán kính 1 km xung quanh đám cháy trong vòng 21 ngày, sơ tán trẻ em, người già, người ốm bệnh ra khỏi khu vực… Nhưng thông báo này ngay lập tức bị thu hồi vào ngày hôm sau vì lý do “ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Chính vì vậy, người dân trong khu vực lại tiếp tục sinh hoạt, đi lại, ăn uống vô tư trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp báo ngày 4/9, một tuần sau khi xảy ra vụ cháy, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên Môi trường mới công bố có khoảng 27,2 kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường và cho biết đã kiến nghị Bộ Quốc phòng tiến hành tẩy độc khu vực.

Kế đó, ngày 5/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra công văn “hỏa tốc” yêu cầu Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến giúp công an thành phố thực hiện giám định để xác minh mức độ ô nhiễm đất, nước và không khí trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, tại cuộc họp ngày 5/9 vẫn khẳng định “không phải di dân” mặc dù thừa nhận mức độ thủy ngân đã phát tán ra môi trường “nằm trong ngưỡng Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe”, theo Vietnamnet.

Và 2.000 khẩu trang chống độc từ dân

Phản ứng chậm chạp và bất nhất của giới lãnh đạo trong suốt một tuần “hậu thảm họa” khiến cho người dân càng thêm hoang mang và phẫn nộ.

“Đây là thảm họa cho thành phố Hà Nội mà tại sao lại cứ để cho phường, Sở Tài nguyên Môi trường thu hồi rồi phát biểu linh tinh, trước sau bất nhất như thế? Tôi nghĩ đây cũng lại là chuyện bưng bít thông tin mà không tập trung vào để xử lý ngay, gây ra những tác hại rất lớn cho người dân”, doanh nhân Lê Hoài Anh, người đã có sáng kiến mua 2.000 khẩu trang chống độc để cung cấp miễn phí cho người dân trong khu vực trong khi chính quyền chưa có biện pháp khẩn cấp để giúp người dân, bức xúc nói với VOA.

“Quan trọng nhất là thành phố và Bộ Tài nguyên Môi trường. Tại sao cảnh sát điều tra không vào cuộc? Tại sao số lượng thủy ngân đó không được điều tra ngay, không tính chính xác được số lượng đó ngay lập tức để có thông báo kịp thời cho người dân? Chứ bây giờ, nói thẳng ra là khói bụi nhân dân cũng đã hít rồi!”, bà Lê Hoài Anh nói về lối phản ứng mà bà gọi là “rất coi thường tính mạng dân” của giới hữu trách.

Nữ doanh nhân thường lên tiếng phản biện về nhiều vấn đề xã hội cho biết việc tặng khẩu trang chống độc của bà cũng gặp không ít khó khăn vì bị “ngăn cản” và “không được hoan nghênh”.

Bà nói với VOA: “Tôi cũng không biết lý do vì sao họ ngăn cản nữa. Khẩu trang của tôi không có chữ, không có bất cứ gì, không quảng cáo, không bán hàng hay có cái gì tuyên truyền cả, tụi tôi chỉ nói với họ rằng chỉ có dùng loại khẩu trang này chứ khẩu trang thông thường là không được, thì cũng bị họ ngăn cản và không welcome việc làm của mình”.

Nữ doanh nhân cho biết 2.000 mặt nạ chống độc của bà không thể đủ để phát cho số lượng người dân quá đông trong khu vực nên chỉ dành ưu tiên cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai hay những người bán hàng rong trong khu vực.

“Vì thu hồi lại công văn nên người ta vẫn sinh hoạt bình thường, không mang khẩu trang phòng độc nên tôi rất lo…”, bà Hoài Anh lo lắng nói với VOA.

Trước đó, khi vừa xảy ra vụ cháy, đã có 10 phóng viên tác nghiệp trong khu vực hỏa hoạn đã có những triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Một số người dân trong khu vực cũng có những biểu hiện tương tự.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/9, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng việc đeo mặt nạ phòng độc trong khi người khác đeo khẩu trang (loại bình thường, không chống độc) là “phản cảm”.

“Cá nhân tôi đánh giá đây là một hành động phản cảm. Người dân xung quanh, cán bộ đi cùng, đồng nghiệp của mình xung quanh vẫn như thế, mà tại sao mình lại xử sự như thế, có cần thiết không?”, báo Vietnamnet dẫn lời ông Chung nói.