Hoa Kỳ tìm cách hỗ trợ hòa đàm Israel-Palestine

Ngoại trưởng John Kerry (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại một cuộc họp báo

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry sẽ đẩy mạnh các nỗ lực nhằm hỗ trợ cho cuộc hòa đàm đang diễn ra giữa Israel và Palestine. Thông tín viên VOA tường thuật rằng đàm phán sẽ được đặt căn bản trên giải pháp 2 quốc gia để giải quyết cuộc xung đột.

Không có gì chiếm nhiều thời gian của Ngoại trưởng Kerry hơn là vấn đề hòa bình Trung Đông. Vì vậy các cuộc đàm phán này có vị trí nổi bật trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc đầu tiên của ông. Ông nói:

“Tôi nói chuyện trực tiếp với cả 2 nhà lãnh đạo và mọi người, tôi nghĩ, hiểu mục tiêu của việc chúng tôi đang làm. Đó là 2 quốc gia sẽ cùng tồn tại song song trong hòa bình và an ninh.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng thời điểm đã đến:

“Cả hai chúng tôi đều biết con đường này không phải dễ dàng, tuy nhiên chúng tôi tham gia vào nỗ lực này với ông nhằm đạt được thành công mang lại một sự hòa giải có tính cách lịch sử giữa Israel và Palestine chấm dứt cuộc xung đột mãi mãi.”

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố Palestine đã sẵn sàng. Ông nói:

“Chúng tôi có thời gian 9 tháng trong thời gian đó chúng tôi hy vọng có thể đạt được một hòa ước giữa chúng tôi và người Israel.”

Những trở ngại của giải pháp 2 quốc gia bao gồm quy chế của thành phố Jerusalem cả Israel và Palestine đều xem như thủ đô và vấn đề biên giới.

Cũng cùng những vấn đề này đã gây bế tắc cho sự tiến triển nhằm giải quyết qua thương thảo từ thời Hiệp ước Oslo cách đây 20 năm. Như vậy điều gì đã thay đổi? Theo cựu Đại sứ Mỹ Adam Ereli thì đó là những lo ngại lớn hơn của Israel về tương lai. Ông nói:

“Dù có hay không có lãnh thổ, hay dù các vị có giữ được an ninh hay không, thực tế của vấn đề là quyền lực chiếm đóng không phục vụ cho quyền lợi của Israel về lâu về dài.”

Israel đã cấp giấy phép làm việc mới cho người Palestine ở bờ Tây như một phần của các biện pháp kinh tế nhằm hỗ trợ cho các cuộc hòa đàm. Tuy nhiên việc này đã bị đối trọng bởi việc xây các khu định cư mới của Israel, theo nhận định của ông Alun McDonald của tổ chức Oxfam. Ông nói:

“Có nhiều lý do để cảm thấy tính cách tích cực, nhưng rất khó mà lạc quan khi mà trong mấy tuần qua đã có thêm các loan báo về khu định cư, đã có thêm các vụ triệt hạ nhà và việc chiếm đóng vẫn tiếp tục.

Phân tích gia Dough Bandow của Viện Cato nói các khu định cự là vấn đề đặc biệt khó khăn cho chính phủ liên minh Israel. Ông nhận định:

“Động lực chính trị nội bộ là một vấn đề rất phức tạp. Khó mà từ bỏ những điều đó. Có rất ít niềm tinh ở cả 2 bên, như vậy có rất nhiều ngờ vực.”

Ông Bandow cho rằng đặt vấn đề hòa đàm vào cử tri Israel là điều rất nguy hiểm cho chính phủ liên minh đang phải đối phó với những vấn đề xã hội đầy chia rẽ về phúc lợi và nghĩa vụ quân sự cho người Do thái Chính Thống giáo.

Cựu thương thuyết gia Israel Uri Savir nói rằng động lực của Hiệp ước Oslo vẫn chưa hoàn toàn bị mất. Ông nói

“Tiến trình hòa bình cần có thời gian. Đó là một thời kỳ chuyển tiếp đầy khó khăn. Nhưng các nền tảng vẫn tồn tại. Và giải pháp 2 quốc gia sẽ vẫn thành tựu được, tôi không nghi ngờ gì điều đó.”

Ngoại trưởng Kerry nói rằng thời gian là kẻ thù của tiến trình hòa bình vì nó tạo một khoản trống có thể bị lấp đầy bởi những người không muốn điều đó xảy ra.