Hội đồng Bảo an áp đặt chế tài mới lên Triều Tiên

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley giơ tay biểu quyết tại Hội đồng Bảo an để áp đặt những chế tài mới lên Triều Tiên, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ngày 22 tháng 12, 2017.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu nhất trí áp đặt các biện pháp chế tài mới lên Triều Tiên sau vụ thử phi đạn đạn đạo liên lục địa gần đây nhất của nước này, một hành động có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế vốn đang khốn khó của quốc gia cộng sản Triều Tiên.

Nghị quyết nhắm mục tiêu cấm gần 90 phần trăm sản phẩm dầu tinh chế xuất khẩu vào Triều Tiên bằng cách hạn chế số lượng tối đa là 500.000 thùng mỗi năm, và theo lời các nhà ngoại giao, một sự thay đổi vào phút chót là yêu cầu hồi hương người lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài trong vòng 24 tháng, thay vì 12 tháng như được đề xuất lúc đầu.

Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng sẽ hạn chế nguồn cung ứng dầu thô tối đa cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng mỗi năm. Mỹ vẫn đang kêu gọi Trung Quốc hạn chế nguồn cung ứng dầu của họ cho nước láng giềng và đồng minh Triều Tiên.

Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc cho biết nghị quyết được thông qua bằng một cuộc biểu quyết với tỉ lệ 15-0. Nhật Bản giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này.

Triều Tiên hôm 29 tháng 11 loan báo họ đã thử thành công một phi đạn đạn đạo liên lục địa mới trong một bước đột phá đặt cả lục địa Mỹ nằm trong tầm ngắm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đầu đạn hạt nhân của nó có thể chịu được giai đoạn bay trở lại vào khí quyển trái đất.

"Nghị quyết gửi một thông điệp hết sức rõ ràng tới Bình Nhưỡng rằng thách thức thêm nữa sẽ càng bị trừng phạt và bị cô lập," Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói sau cuộc biểu quyết.

Căng thẳng vẫn đang gia tăng liên quan tới các chương trình hạt nhân và phi đạn mà Triều Tiên theo đuổi bất chấp những những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với những lời lẽ hằn học từ cả Bình Nhưỡng lẫn Nhà Trắng.

Vào tháng 11, Triều Tiên đã kêu gọi đình chỉ điều mà họ gọi là "những chế tài tàn bạo," nói rằng vòng chế tài trước đó áp đặt sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và cũng là mạnh nhất vào ngày 3 tháng 9 cấu thành nạn diệt chủng.

Các nhà ngoại giao của Mỹ nói rõ rằng họ đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng đã đề xuất các chế tài mới nghiêm khắc hơn để gây sức ép lên lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.