Hội đồng Bảo an dự kiến thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bỏ phiếu về nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ tại trụ sở LHQ ở New York ngày 20 tháng 7, năm 2015

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dự kiến hôm nay thông qua thỏa thuận giữa Iran với 6 cường quốc đạt được tuần trước nhằm giới hạn chương trình hạt nhân của Iran để được dỡ bỏ các biện pháp chế tài.

Hội đồng 15 thành viên sáng nay biểu quyết. Vì 5 thành viên thường trực, các thành viên nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng, đều là các nước đã ký tán thành thỏa thuận vừa kể, nên gần như chắc chắn là nghị quyết sẽ được chuẩn thuận.

Một khi thông qua, thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 90 ngày.

Mốc quan trọng tiếp theo sẽ diễn ra sau khi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc, tức Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, ra phúc trình về việc giải quyết các vấn đề trong quá khứ và hiện tại đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Phúc trình dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 12. Đó là lúc Iran có thể thấy các biện pháp trừng phạt gây tổn thương nền kinh tế nước này được dỡ bỏ.

Cuộc biểu quyết của Liên hiệp quốc diễn ra giữa lúc các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu xem xét thỏa thuận này.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hôm qua gửi thỏa thuận sang Quốc hội, bắt đầu 60 ngày để Quốc hội duyệt xét.

Lập pháp Mỹ có thể chấp thuận hay khước từ việc dỡ bỏ các biện pháp chế tài do Quốc hội ban hành chống lại Iran. Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ phủ quyết nếu Quốc hội khước từ.

Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, dự đoán Tổng thống Obama sẽ thật sự khó khăn để thỏa thuận được thông qua bởi Quốc hội do phe Cộng hòa dẫn đầu đã tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của thỏa thuận này.

Ông McConnell chỉ trích đây là ‘thỏa thuận chấp nhận được tốt nhất cho Iran hơn là một thỏa thuận có thể chung cuộc chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran'.

Hôm qua, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Khamenei nhấn mạnh thỏa thuận không chỉ dấu một sự hợp tác với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong các vấn đề khác. Bình luận này đã khơi dậy phản ứng mạnh mẽ từ Thủ tướng Israel, Netanyahu.