Hong Kong: Các nhà lập pháp đối lập phản kháng lần cuối trước khi từ chức hàng loạt

Các nhà lập pháp thân dân chủ ở Hong Kong, Helena Wong, Wu Chi-wai, Andrew Wan và Lam Cheuk-ting vẫy tay chào giới truyền thông sau khi đâm đơn từ chức để phản đối vụ 4 đồng nghiệp bị bãi nhiệm. Ảnh chụp ngày 12/11/2020. REUTERS/Tyrone Siu

Các nhà lập pháp đối lập tại Hong Kong hôm thứ Năm 12/11 phản đối việc 4 đồng nghiệp của họ bị bãi nhiệm trong hành động thách thức cuối cùng tại nghị viện trước khi từ chức hàng loạt vì coi đây là một cố gắng khác nữa của Bắc Kinh để đàn áp dân chủ tại Hong Kong.

Việc các nghị sĩ đối lập rút ra khỏi nghị viện đánh dấu sự cáo chung của một trong những diễn đàn hiếm hoi còn lại sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia vào tháng 6, và các hạn chế do dịch Covid-19 chấm dứt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã khởi sự trong năm ngoái.

Chính quyền Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẫn trục xuất 4 nhân vật đối lập khỏi nghị viện Hong Kong hôm thứ Tư về tội “xâm hại an ninh quốc gia” sau khi quốc hội Trung Quốc giao quyền hạn mới cho chính quyền Hong Kong để đàn áp bất đồng.

15 thành viên đối lập còn lại tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong gồm tổng cổng 70 ghế, được biết đến dưới tên LegCo, sau đó tuyên bố từ nhiệm để thể hiện tình đoàn kết với các đồng nghiệp.

“Tôi nghĩ đây là cuộc phản kháng cuối cùng của tôi trong Legco,” nghị sĩ đối lập Lam Cheuk-ting nói sau khi căng biểu ngữ, miệt thị Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam.

Biểu ngữ được giăng ra từ tầng lầu thứ hai của tòa nhà lập pháp, có hàng chữ: “Carrie Lam tha hóa Hong Kong, hãm hại người dân, để lại xú danh suốt 10.000 năm.”

Bà Carrie Lam không có mặt tại nghị viện vào lúc đó.

Hôm thứ Tư, bà Lam bênh vực quyết định trục xuất 4 nhân vật đối lập ra khỏi nghị viện Hong Kong, là “phù hợp với luật pháp”, và bà bác bỏ những chỉ trích cho rằng viện lập pháp Hong Kong bây giờ chỉ biết gật đầu, tuân lệnh Bắc Kinh.

Các nghị sĩ đối lập đã tìm cách chống lại việc Bắc Kinh làm sói mòn các quyền tự do tại cựu thuộc địa của Anh, bất chấp lời hứa sẽ cho Hong Kong quyền tự trị rộng rãi theo công thức “một quốc gia, hai thể chế” mà các bên đã thỏa thuận khi quyền cai trị Hong Kong được bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc là họ hạn chế các quyền và quyền tự do tại Hong Kong, từng là trung tâm tài chính của thế giới, mặc dù chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh đã có hành động quyết liệt để bịt miệng những tiếng nói bất đồng sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm ngoái.

Trong khi các nhà lập pháp vận động cho dân chủ tại nghị viện, một thế hệ trẻ các nhà ủng hộ dân chủ kéo nhau xuống đường trong suốt nhiều tháng trời để đưa ra những đòi hỏi của họ trong các cuộc biểu tình đôi khi bạo động.

Văn phòng đặc trách các vấn đề Hong Kong và Macau lên án việc từ chức của các nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong là “một thách thức trắng trợn đối với quyền hành của chính phủ trung ương”.

Thông báo của văn phòng này viết:

“Chúng tôi cảnh cáo các thành viên đối lập rằng nếu họ muốn dùng việc này để khích động phong trào phản kháng cực đoan, yêu cầu các thế lực bên ngoài can thiệp để lôi Hong Kong vào tình trạng hỗn loạn trở lại, thì đây là một tính toán sai lầm.”

Việc chính quyền Hong Kong bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập và quyết định của các nghị sĩ đối lập còn lại rút ra khỏi nghị viện Hong Kong càng tăng thêm quan tâm của phương Tây về nền tự trị của Hong Kong giữa lúc ông Joe Biden đang chuẩn bị lên nắm quyền từ tay Tổng thống Trump, hứa hẹn sẽ cổ vũ cho dân chủ trên khắp thế giới.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nói rằng việc các nhà lập pháp Hong Kong bị bãi nhiệm cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc “vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế” và “áp đặt chế độ độc tài đảng trị của Trung Quốc tới tận Hong Kong”.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói việc trục xuất các nghị sĩ đối lập là một cuộc tấn công vào các quyền tự do của Hong Kong.

Nước Đức, hiện nắm chức Chủ tịch luân phiên của EU, và Úc cũng lên án việc này.