Hôm 13/12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị đối với blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và trả tự do cho bà ngay lập tức.
HRW ra thông cáo này một ngày trước khi một phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội dự kiến sẽ xét xử bà vào ngày 14/12 với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt tối đa tới 12 năm tù.
Qua việc truy tố bà, nhà cầm quyền Việt Nam bộc lộ sự lo sợ của họ đến mức nào đối với các tiếng nói chỉ trích có ảnh hưởng.Ông Phil Robertson, HRW
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW, nói trong thông cáo: “Blogger năng động Phạm Đoan Trang phải đối mặt với đòn trả thù nặng nề của chính quyền vì những hoạt động ủng hộ tự do biểu đạt, tự do báo chí và nhân quyền của bà trong suốt một thập niên qua.”
“Qua việc truy tố bà, nhà cầm quyền Việt Nam bộc lộ sự lo sợ của họ đến mức nào đối với các tiếng nói chỉ trích có ảnh hưởng,” ông Robertson nhận định.
Bà Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, bị công an bắt vào ngày 6/10/2020 ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sau đó bà bị áp giải ra Hà Nội.
Trước khi đưa ra cáo trạng chính thức vào tháng 10/2021, chính quyền đã giam giữ bà hơn một năm mà không cho tiếp xúc với luật sư và gia đình.
Ông Phạm Chính Trực, anh của bà Phạm Đoan Trang, nêu nhận định với VOA về cáo trạng của chính quyền đối với bà:
Với trường hợp của Trang, tôi thấy việc quy kết này hoàn toàn vô lý và không thể chấp nhận được.Ông Phạm Chính Trực
“Tôi thấy cáo trạng quy kết, kết tội Trang theo Điều 88 “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Theo tôi biết điều luật này đã bị rất nhiều cá nhân, các tổ chức xã hội, và thậm chí cả LHQ đã đề nghị chính phủ Việt Nam bác bỏ điều luật này vì nó quá mơ hồ, ranh giới của nó không rõ ràng, dùng để quy chụp, bắt bớ rất nhiều người có quan điểm trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước.
“Với trường hợp của Trang, tôi thấy việc quy kết này hoàn toàn vô lý và không thể chấp nhận được”.
XEM THÊM: Nhóm Công tác LHQ về Bắt giữ Tùy tiện ra phán quyết vụ Phạm Đoan TrangVào tháng 10/2021, Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của LHQ (UNWGAD) ra thông cáo cho biết vụ khởi tố, bắt giam bà Trang là vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đã được Việt Nam phê chuẩn từ năm 1982.
Ông Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành của HRW, viết trên Twitter hôm 13/12: “Blogger nổi tiếng và nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang sẽ phải đối mặt với phiên tòa vào ngày mai và có khả năng bị tuyên 12 năm tù vì những hoạt động ủng hộ tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân quyền từ lâu của bà.”
“Viết về thảm họa môi trường, vi phạm nhân quyền, vấn đề thiếu tự do tôn giáo, và trả lời phỏng vấn trên truyền thông quốc tế không phải là tội, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cứ khăng khăng kết luận như thế,” ông Robertson nói. “Lẽ ra chính quyền nên hoan nghênh việc bà Phạm Đoan Trang tìm hiểu về những việc làm sai trái, lạm dụng và lạm quyền, thay vì trừng phạt bà.”
Bà Phạm Đoan Trang là một blogger trực ngôn, viết về nhiều chủ đề như quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, nữ quyền, các vấn đề môi trường, tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nạn công an bạo hành, nạn đàn áp các nhà hoạt động và nhiều lĩnh vực liên quan tới pháp luật và nhân quyền, theo HRW.
Bày tỏ sự bức xúc trước việc chính quyền Việt Nam “trong nhiều thập niên đàn áp những tiếng nói chỉ trích như trường hợp của bà Phạm Đoan Trang” mà không bị quốc tế “truy cứu trách nhiệm”, ông Robertson khuyến nghị rằng các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Australia và Nhật Bản “cần chấm dứt việc ém nhẹm những vi phạm nhân quyền có tính hệ thống của Việt Nam.”
Your browser doesn’t support HTML5
Cựu nhà ngoại giao Mỹ David Brown hôm 8/12 viết trên trang Asia Sentinel rằng bà Phạm Đoan Trang chỉ vì kêu gọi chính quyền tôn trọng các cam kết về nhân quyền mà lại bị đưa ra xét xử, trong khi cộng đồng các quốc gia dân chủ châu Á – Thái Bình Dương, kể cả Mỹ, dường như không mấy bận tâm đến việc chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.
“Khi những hành động của Hà Nội không hoàn toàn đúng so với những lời hứa trong các hiệp định thương mại và một phần tư thế kỷ đối thoại về nhân quyền, cả với Hoa Kỳ và các đồng minh, họ đều không bận tâm nhiều”, ông Brown viết.
“Đảng - Nhà nước không quan tâm đến tư duy độc lập hoặc giải quyết vấn đề ở cơ sở. Hơn nữa, miễn là chế độ có thể mang lại sự ổn định và tăng trưởng 6% hàng năm, thanh niên Việt Nam có nhiều khả năng sẽ gia nhập vào Đảng Cộng sản hơn là tìm cách lật đổ nó”, ông Brown nhận định.
“Trong khi những nhà dân chủ như Phạm Đoan Trang và những người bạn của bà phải ngồi tù, những người cùng thời với họ trong bộ máy chính quyền sẽ không phải chịu đựng gì tồi tệ hơn ngoài những giờ họp đảng bộ tẻ nhạt. Đó là một sự trả giá tuy nhỏ nhưng hủy hoại tâm hồn, và có lẽ, họ phải làm vậy để có một công việc ổn định và cơ hội giao thương để đổi lấy một chút của cải”.
Chính quyền Việt Nam chưa nêu phản ứng trước lời kêu gọi của tổ chức HRW đối với trường hợp của bà Trang. VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Viện Kiểm sát Thành phố Hà Nội, nhưng chưa được phản hồi.
Your browser doesn’t support HTML5
Vào tháng 10, truyền thông nhà nước trích cáo trạng của Viện Kiểm sát Tp. Hà Nội cho biết, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Trang “có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước.”
Theo Viện kiểm sát, bà Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu như “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Ngoài ra, Viện kiểm sát còn quy kết bà Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài, cụ thể như đài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu Tự do (RFA), với nội dung “xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước cũng như phỉ báng chính quyền nhân dân”.