HRW: Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hiệp quốc, New York, ngày 22/9/2024.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 23/9 kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo các hãng Meta, Google chớ thấy việc Việt Nam phóng thích một số ít các tù nhân chính trị mà vội cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là nhà lãnh đạo có quan điểm cải cách.

HRW cho rằng Việt Nam chỉ thả “tượng trưng” một số ít tù nhân chính trị trong khi ông Tô Lâm vẫn ra tay “đàn áp khắc nghiệt” đối với giới tranh đấu cho nhân quyền.

“Ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước của Việt Nam, là một trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới có hồ sơ nhân quyền kém cỏi đến thăm thành phố New York trong tuần này để tham dự cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”, ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW viết trong thông cáo ngày 23/9.

Ông Lâm sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 25/9 và dự kiến sẽ gặp các giám đốc điều hành của Meta và Google, Nhà Trắng và truyền thông Việt Nam loan tin.

“Trước đây, khi còn là bộ trưởng công an, ông Tô Lâm đã giám sát một cuộc đàn áp lớn đối với những người bất đồng chính kiến, với hàng trăm nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bắt và bị giam cầm”, ông Sifton điểm lại.

Đại diện của HRW cho biết trong số những người bị bắt có nhà hoạt động vì môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người đã theo học tại Đại học Columbia với tư cách là người nhận học bổng Obama. “Một sự phản đối trong cộng đồng đại học Columbia dường như đã buộc chính quyền Việt Nam phải thả bà Hồng vào ngày 20/9, ngay trước khi ông Tô Lâm khởi hành đi New York”, ông Sifton lưu ý.

XEM THÊM: Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng được ra tù sớm 20 tháng

Lịch làm việc của ông Tô Lâm bao gồm việc ông phát biểu về chính sách và giao lưu với sinh viên tại Đại học Columbia.

Vào tháng 6/2023, ngay khi bà Hồng bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”, ông Ben Chang, người phát ngôn của trường Đại học Columbia cho biết trong một tuyên bố rằng trường rất “quan ngại”, đồng thời kêu gọi Việt Nam cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội của bà.

Một người nữa là tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã được ân xá và phóng thích sớm 8 tháng trước so với bản án đầy đủ là 16 năm tù. Ông Thức được cho là đã từ chối tuân thủ lệnh ân xá, cho biết rằng ông chưa nộp đơn xin ân xá, vẫn theo tổ chức HRW.

“Tôi không có tội cũng như [không] lý do gì để nhận đặc xá”, ông Thức viết trên Facebook hôm 21/9, nói rằng: “Một cách mặc nhiên, tôi đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước”.

Trong những điều mà ông Thức lên án là “vô lý”, ông thuật lại rằng “người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc ‘đặc xá’ cho tôi”. Ông được phía trại giam nói rằng ông “không có quyền tiếp tục ở lại trại giam”, và ông bị đưa ông lên máy bay để về nhà ở thành phố Hồ Chí Minh.

XEM THÊM: Việt Nam thả Trần Huỳnh Duy Thức ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm

Như VOA đã đưa tin, hôm 21/9, ông Thức được trả tự do 8 tháng trước hạn tù 16 năm với cáo buộc “lật đổ chính quyền”. Tuy nhiên, ông vẫn phải chịu án quản chế 5 năm sau án tù.

“Sự phi lý độc đoán như vậy bao quanh ông Tô Lâm”, HRW nhận xét. Thông cáo của tổ chức này cũng nhắc đến sự việc nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm bị phạt 5 năm rưỡi tù sau khi làm video chế giễu bữa ăn bò bít tết của ông Tô Lâm và đăng video đó lên mạng xã hội.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York đánh giá rằng chính quyền Việt Nam thường xuyên bắt giữ và truy tố những người bất đồng chính kiến vì họ sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube để tham gia các hoạt động về tự do ngôn luận, bao gồm Phan Vân Bách và Nguyễn Vũ Bình, người đoạt giải Văn Bút Mỹ Phạm Đoan Trang, blogger Huy Đức và nhiều người khác.

Ông Shifton của HRW kêu gọi ông Biden và các giám đốc điều hành của Meta và Google khi tiếp ông Lâm trong tuần này chớ có xem việc trả tự do cho hai nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng và Trần Huỳnh Duy Thức là bằng chứng về cải cách.

“Họ nên nêu lên mối quan ngại về tất cả những người bị truy tố oan vì các bài đăng trực tuyến, công khai kêu gọi trả tự do và tìm kiếm hành động chứng minh rằng quyền tự do ngôn luận trực tuyến tại Việt Nam sẽ được bảo vệ”, ông Shifton nhấn mạnh.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các công ty Meta, Google, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Theo quan sát của VOA, đối với một số người, việc ông Tô Lâm trả tự do sớm cho ông Thức và bà Hồng, cho thấy “có những tín hiệu cởi mở”. Tuy nhiên, giới đấu tranh cho tự do, nhân quyền khẳng định rằng không có gì gọi là sự “cởi mở” cả, vì thực chất, việc trả tự do sớm hơn hạn định ít tháng, chỉ là để “làm quà” cho chuyến thăm Hoa Kỳ, nhằm xoa dịu chính phủ Mỹ, về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

“Những chuyện thả như vậy là sự đổi chác, vẫn xảy ra bình thường”, nhà hoạt động, cựu tù nhân Phạm Minh Hoàng ở Pháp nêu nhận định với VOA. “Những tiền lệ đã xảy ra và đến nay vẫn đúng: mỗi lần có quan chức qua Mỹ thì thường có việc này như món quà vậy đó”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích bà Hồng trong khi Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Mỹ kêu gọi trả tự do cho ông Thức.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo.

Trong diễn biến liên quan, hôm 23/9, tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London, Anh ghi nhận việc ông Thức được chính quyền Việt Nam phóng thích, nhưng nói rõ rằng “lẽ ra ông không phải ngồi tù ngay từ đầu”.

“Ông đã bị kết án sau khi ủng hộ cải cách quản trị ở Việt Nam”, tổ chức Ân xá Quốc tế, một trong những tổ chức vận động trả tự do cho ông Thức, viết trên trang X hôm 23/9.

“Chính phủ Việt Nam phải chấm dứt án quản chế của ông Thức, cũng như trả tự do cho tất cả những người khác bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ”, Ân Xá Quốc tế kêu gọi.