HRW quy trách chính phủ Thái Lan về cái chết của người biểu tình

HRW quy trách chính phủ Thái Lan về cái chết của người biểu tình

Tổ chức Human Rights Watch (HRW) kêu gọi chính phủ Thái Lan truy tố những kẻ chịu trách nhiệm gây ra những vụ chết người trong các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm ngoái. Tổ chức nhân quyền này cũng nói rằng chính phủ chịu trách nhiệm về vụ đàn áp liên tục nhắm vào các đối thủ chính trị vào lúc Thái Lan đang hướng tới các cuộc bầu cử toàn quốc. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tổ chức Human Rights Watch nói rằng chính phủ Thái Lan đã thất bại trong việc điều tra đầy đủ về vụ bạo động chính trị hồi năm ngoái, mà tổ chức này quy trách cho cả quân đội lẫn người biểu tình đối lập.

Năm ngoái, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ, gọi là phe Áo Đỏ, đã chiếm đóng đường phố ở Bangkok đòi tổ chức bầu cử mới. Sau cuộc giằng co kéo dài cả tháng, từ tháng 3 đến tháng 5, chính phủ đã ra lệnh cho quân đội chấm dứt các cuộc biểu tình. Các vụ xung đột sau đó đã làm 90 người thiệt mạng, đa số là thường dân.

Tại một cuộc họp báo ở Bangkok, ông Brad Adams, giám đốc Human Rights Watch ở châu Á, nói rằng các tay bắn tỉa của quân đội dường như đã nhắm mục tiêu vào thường dân.

Ông Adams nói: “Chính phủ không thể chỉ nói rằng trong lúc nóng lòng tìm cách dẹp người biểu tình khỏi đường phố Bangkok, một số binh sĩ có thể đã vượt quá lệnh của cấp trên. Chính phủ đã ra lệnh và quân đội đã đặt các tay súng bắn tỉa vào vị trí, và dân chúng đã thiệt mạng.”

Ông Adams nói tình trạng quân đội được miễn trừ mọi sự trừng phạt đã có từ lâu đời đang gây trở ngại cho pháp trị và dân chủ ở Thái Lan.

Ông nói ủy ban hòa giải và tìm hiểu chính phủ do chính phủ chỉ định đã bị quân đội làm ngơ và không được dành cho đủ nguồn lực để điều tra đầy đủ vụ bạo động.

Ông Thani Thongphakdi, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan, bênh vực các hành động của chính phủ:

Ông Thani nió: “Các sự cố xảy ra rất hỗn loạn. Và có một số vụ việc không rõ ràng, theo cả lời kể của nhân chứng cũng như dựa vào các bằng cớ pháp y, về những người gây ra những trường hợp tử và thương vong. Tôi chỉ xin nhắc lại rằng cuộc điều tra chưa kết thúc. Nó vẫn còn đang tiếp tục. Và chúng tôi hy vọng sẽ có thể sớm tìm ra một kết luận.”

Báo cáo của tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích một số thủ lãnh của phe Áo Đỏ về vụ bạo động. Tổ chức nhân quyền này nói một số thủ lãnh đã công khai hoan nghênh các phần tử có vũ trang được gọi là Áo Đen chống lại binh sĩ Thái.

Và khi quân đội có hành động chấm dứt cuộc biểu tình, thì tổ chức Human Rights nói một số thủ lãnh Áo Đỏ đã khuyến khích việc cướp của và đốt phá hàng chục cơ sở kinh doanh và các tòa nhà ở trung tâm Bangkok.

Ông Brad Adams cũng chỉ trích một chiến dịch của chính phủ nhằm trấn áp các đối thủ dùng các luật lệ có ý định bảo vệ nhà vua trước sự phỉ báng, còn được gọi là Lese Majeste.

Ông Adams nói tiếp: “Vụ trấn át giới chống đối vẫn tiếp diễn. Chính phủ đã sử dựng bất cứ luật lệ nào có sẵn để bóp nghẹt quyền tự do phát biểu, chính phủ đã mượn luật Lese Majeste vì động cơ chính trị, và nhắm mục tiêu vào một phía. Chúng tôi thấy rất nhiều người thuộc phe Áo Đỏ đã bị bắt giữ vì những gì xảy ra trong các cuộc biểu tình và chúng tôi thấy không có ai về phía chính phủ bị cho là chịu trách nhiệm.”

Ông Thani bênh vực việc chính phủ đóng cửa hàng trăm tờ báo, các đài phát thanh, và trang web của phe Áo Đỏ kể từ lúc xảy ra cuộc biểu tình, và nói rằng việc này được tiến hành theo đúng luật pháp.