IMF: Việt Nam sắp qua mặt Philippines về tăng trưởng GDP

Ảnh minh họa: Kinh tế Việt Nam. Một nhân viên ngân hàng VP đếm đôla Mỹ.Ảnh chụp ngày 15/11/2017. REUTERS/Kham

Người dân Việt Nam đang trên đà qua mặt dân chúng Philippines về mức độ thịnh vượng, bắt đầu từ năm nay, một hệ quả trực tiếp của dịch Covid-19 và đường lối khác biệt giữa hai nước trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế, dựa trên các số liệu của Qũy Tiền tệ Quốc tế - IMF.

Được hậu thuẫn bởi tăng trưởng kinh tế liên tục trong một thời gian dài, tổng sản phẩm nội địa tính bình quân đầu người của Việt Nam theo đà hiện tại, sẽ đạt 3.497.51 USD, vượt qua Philippines với GDP đầu người là 3.372.53 USD, theo dự phóng của Qũy Tiền tệ Quốc tế - IMF.

Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người được tính bằng cách chia tổng sản phẩm trong nước trong năm cho dân số trung bình trong năm tương ứng. Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người có thể tính theo giá hiện hành, tính theo nội tệ hoặc ngoại tệ; cũng có thể tính theo giá so sánh để tính tốc độ tăng.

Báo Philstar của Philippines nói rằng sự kiện Việt Nam qua mặt Philippines về GDP bình quân năm nay là một ‘cú giáng đôi’. Trước đây chính phủ của Tổng thống Duterte đã đề ra mục tiêu là trong năm nay sẽ nâng kinh tế quốc gia lên mức có thu nhập trung bình, chỉ để bị lạc hướng vì dịch Covid-19, vừa đốn ngã sự tin tưởng của giới tiêu thụ, và sự tự tin trong giới kinh doanh.

Theo IMF, tình hình còn có thể tệ hại hơn, vì thu nhập của dân Philippines được cho là khó có thể bắt kịp thu nhập của dân Việt Nam trong 5 năm tới, nếu tin vào dự phóng của IMF, là năm 2025, GDP tính trên đầu người của Manila là 4.805.84 USD, thua GDP của Hà Nội ước đạt 5.211.90 USD.

Sự thể này có thể có những hậu quả nghiêm trọng đối với mức nghèo đói ở Philippines, mà chính phủ tại Manila đã cảnh báo có thể gia tăng vì cuộc khủng hoảng.

Đối với giới phân tích tại Manila, thì tất cả đều có thể quy cho một yếu tố: đó là tính hiệu quả của nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Nhân viện y tế Việt Nam mặc đổ bảo hộ cá nhân

Ông Sonny Africa, CEO của Sáng hội IBON, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, nói:

“Việt Nam đã đáp ứng hiệu quả trước dịch Covid-19, và nhờ đó có thể tiếp tục tăng trưởng, dù là ở tỷ lệ chậm lại. Ngược lại, cách đáp ứng của Tổng thống Duterte tệ hại và vẫn nửa vời, đã gây ra tình trạng suy sụp kinh tế tệ hại nhất trong lịch sử Philippines.”

Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Philippines đã co cụm 8,6% trong năm 2020, tỷ lệ co cụm nhanh nhất tính từ năm 1986. Ngược lại, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 1,6% hàng năm.

Kinh tế gia trưởng của ngân hàng UnionBank của Philippines nói sự kiện Việt Nam đã khống chế hiệu quả dịch Covid-19 đã tạo ra khác biệt, nhưng ngay cả trước dịch Covid-19, Việt Nam đã trên đường tăng trưởng nhanh hơn Philippines.

Trong năm nay, Việt Nam đã tiếp tục củng cố sự hiện diện trong lĩnh vực chế tạo sản xuất trong năm nay, theo trang mạng Citywire ở Anh.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và đặc biệt sau khi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán ở Trung Quốc, rồi lây lan ra toàn cầu, nhiều công ty đã rút ra khỏi thị trường Trung Quốc, và nhờ đó Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất ở Đông Nam Á.

Một ví dụ là chính phủ Nhật Bản hồi mùa hè năm nay loan báo sẽ tài trợ cho một số hãng xưởng để đầu tư ở trong nước và ở Đông Nam Á, để giảm sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

30 công ty đã được chính phủ Nhật Bản giúp để chuyển hướng sang các nước ASEAN khác, kể cả các công ty lớn như công ty Hóa chất Shin Etsu, công ty này đã tăng cường sản xuất tại Việt Nam.

Một trường hợp khác là Hãng sản xuất xe hơi Hyundai của Hàn quốc cũng bắt đầu xây dựng một xưởng sản xuất thứ nhì tại Việt Nam, có khả năng sản xuất 100.000 chiếc xe mỗi năm tại Việt Nam.