Indonesia có trang mạng đăng tên những kẻ tham nhũng

  • Kate Lamb
Tại một quốc gia mà hầu như mỗi tuần đều có một vụ tai tiếng trở thành đề tài hàng đầu trên báo chí, một sáng kiến trực tuyến mới được lập ra nhắm vào tình trạng tham nhũng đang lan tràn tại Indonesia. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Kate Lamb gửi về bài tường thuật sau đây.

Trong tuần lễ đầu tiên trang mạng Korupedia.com nhận được 2 triệu lượt truy cập. Mô phỏng một trang mạng tương tự của Ấn Ðộ là Ipaidable.com, trang mạng chống tham nhũng mới của Indonesia đã đưa lên danh sách 108 người bị cáo buộc là tham nhũng.

Trang mạng này có cả những chi tiết như tên họ, bảng liệt kê các tội trạng và hình ảnh của những người bị cáo buộc tham nhũng.

Cựu Giám đốc Ủy ban bài trừ tham nhũng của Indonesia Erry Hardjapamekas nói rằng bị bêu xấu trên mạng như thế có phần chắc sẽ ngăn chặn được những kẻ tham nhũng trong tương lai.

Ông Hardjapamekas cho biết: “Theo tôi đây là một bước khởi đầu tốt đẹp. Tôi nghĩ sau này, chúng ta dự kiến Korupedia sẽ trở thành một bộ bách khoa về tham nhũng, nhưng không phải chỉ là một thông tin về kiến thức, mà còn để nhắc nhở mọi người về những kẻ tham nhũng đã bị kết tội và những kẻ có ý đồ tham nhũng rằng họ sẽ bị điều tra và truy tố.”

Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Indonesia xếp hạng thứ 100 trong số 183 quốc gia của Chỉ số nhận thức tham nhũng của tổ chức,và đưa nước này vào hàng tham nhũng hơn cả Ấn độ.

Mặc dù có cơ hội về kinh doanh đáng kể ở Indonesia, hiện tượng tham nhũng có mặt tại mọi nơi và phải chi tiền hối lộ là một trong những rào cản lớn nhất đối với những người nước ngoài hoạt động kinh doanh ở nước này.

Tuy cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài có vẻ như hoan nghênh động thái vừa kể, chuyện tận diệt tham nhũng sẽ không thể diễn ra nhanh chóng.

Nhưng theo nhà phân tích Keith Loverard của Concord Consulting, một công ty tư vấn cho các công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Indonesia thì đó vẫn là một bước đi đúng hướng:

Ông Loverard nói: “Ðiểm tốt là cho đến khi có được sự hình thành của các tổ chức không để cho các chính phủ và các cá nhân làm ngơ trước tình trạng tham nhũng, và cho đến khi sự kiện đó diễn ra tôi thành thật rất e ngại rằng sẽ có rất nhiều thay đổi. Cho nên tôi thấy đây là một động thái rất tích cực cho xã hội dân sự phát triển một loại lương tâm đạo đức để đối phó với trở ngại hay bản chất này của đất nước.”

Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono đã vận động với một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ nhưng ông đã bị nhiều người chỉ trích là đã thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Hồi tháng tư năm nay, viên thủ quỹ của đảng Dân Chủ Muhammad Nazaruddin đương quyền đã bị tù 4 năm 10 tháng vì liên quan đến một vụ tai tiếng về hối lộ. Vụ xử ông này đã đưa tới một cuộc điều tra thêm về nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ liên quan tới những hành vi tương tự.

Theo một cuộc thăm dò viện Gallup công bố hồi tháng 10 năm ngoái khoảng 91 phần trăm người dân Indonesia tin rằng tình trạng tham nhũng trong chính phủ phổ biến khắp nơi.