Các chuyên gia sinh thái học đề nghị một trật tự kinh tế mới

  • Solenn Honorine
Sinh thái đang ngày càng trở nên một vấn đề kinh tế: sẽ tốn kém bao nhiêu để giảm thiểu khí thải, sẽ tiết kiệm được bao nhiêu khi trang bị các tòa nhà với những vật liệu điều hòa thời tiết? Nhưng các nhà phân tích tụ họp tại Bali để tham dự hội nghị thượng đỉnh về môi trường nói rằng, để cứu hành tinh này, nhân loại phải qua một cuộc cách mạng kinh tế với quy mô tương tự như cuộc cách mạng kỹ nghệ. Thông tín viên đài VOA, Solenn Honorine, tường thuật từ Nusa Dua, Indonesia.

Âm thanh phát ra từ máy nhỏ đang chạy là âm thanh của nền kinh tế xanh.

Ông Sameer Hajee giải thích: “Đây là một máy phát điện bàn đạp đầu tiên trên thế giới có bán trên thị trường, cho phép biến đổi sức người thành điện có thể sử dụng được. Hiện nay máy này có thể sạc điện cho những đèn xách tay của chúng ta. Máy này cũng có thể sạc điện cho điện thoại di động."

Công ty Nuru Design của ông Sameer Hajee có 10 ngàn khách hàng tại Rwanda, Ấn Độ và Kenya. Công ty này dựa vào một mạng lưới 80 người kiếm sống bằng cách đạp máy để sạc điện cho đèn hoặc điện thoại di động của bà con lối xóm.

Công ty Nuru Design dự kiến gia tăng số khách hàng của họ lên 10 lần vào cuối năm nay. Đây không phải là một hoạt động từ thiện mà là một công việc làm giúp người ta sống được, bằng cách phục vụ những người không có điện để dùng.

Ông Hajee nói: “Đặc biệt là thị trường hết sức lớn. Có hai tỉ người trên thế giới bị ảnh hưởng của vấn đề không có điện này. Vì thế, nếu chúng ta có thể đưa công nghệ này đến cho họ thì nó có tiềm năng trở thành một công cuộc kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận.”

Kinh tế gia Pahvan Sukdhev là một cố vấn đặc biệt của chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc. Ông giải thích rằng, những doanh nghiệp như Nuru Design là những thí dụ cho thấy một “nền kinh tế xanh” sẽ như thế nào.

Ông nói: “Đây thật sự là một mô hình mới mà chúng ta bắt đầu thấy. Và điều quý vị thấy là một sự khai thông mới về kinh tế cho một vấn đề đang bế tắc: cái khuôn mẫu kỹ nghệ hóa nặng nề, quá tham vọng, sản xuất quá nhiều, tiêu thụ quá nhiều sẽ thực sự phá hủy hoàn toàn cơ may sống còn của chúng ta trong tương lai. Và một nền kinh tế xanh là một biện pháp thay thế hoàn toàn không làm những gì vừa kể.

Ông Pahvan Sukdhev nói rằng, nền kinh tế xanh có thể tạo tăng trưởng. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ước tính rằng loại năng lượng tái tạo vừa kể có thể tạo ra tới 20 triệu công ăn việc làm mới, nếu số năng lượng tái tạo này chiếm khoảng 30% tổng số năng lượng sản xuất trên khắp thế giới.

Hội các nhà doanh nghiệp và sinh thái Trung Quốc gồm 130 doanh nhân theo đuổi những nguyên tắc của nền kinh tế xanh: một số xây dựng những cao ốc tiết kiệm năng lượng; những người khác thì lót sàn bằng vật liệu thân thiện với môi trường, bằng vật liệu làm bằng loại tre mọc nhanh.

Tổng thư ký hội này, ông Lee Peng, nói rằng, doanh nhân tại Trung Quốc bắt đầu thay đổi thái độ đối với nền kinh tế xanh:

“Đa số các doanh nhân này vẫn còn chưa dễ dàng chấp nhận chuyện tuân hành những điều lệ về môi trường. Nhưng rồi ở cấp bậc cao, đã có một nhóm nhỏ nhưng tăng nhanh các doanh nhân tại Trung Quốc nhìn thấy rằng việc “xanh hóa” doanh nghiệp của họ không chỉ là một đòi hỏi của luật pháp, cũng không phải chỉ là một hành động có trách nhiệm. Đó là phương cách duy nhất để có thể giữ vững tính cạnh tranh cho doanh nghiệp của họ.”

Bà Wangari Maathai người Kenya được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2004 vì công trình của bà trong phong trào Green Belt, một tổ chức tham gia những hoạt động trồng cây và bảo vệ môi trường. Bà Maathai nói rằng, những sản phẩm và dịch vụ do thiên nhiên cung cấp - như không khí sạch, mưa, và đất mầu - không thể bị coi là đương nhiên vẫn có. Bà nói rằng, tổ chức của bà, mặc dầu là một tổ chức bất vụ lợi, đã có ảnh hưởng kinh tế cần được thừa nhận.

Bà Wangari nói: Trên phương diện đất trồng mà chúng ta đã bảo vệ; trên phương diện đa dạng sinh học mà chúng ta đã bảo vệ qua việc bảo vệ rừng; trên phương diện tạo điều kiện cho mưa và nhờ vậy yểm trợ cho nông nghiệp mùa màng được tốt tươi; trên phương diện kinh tế thì ảnh hưởng này đã đem lại nhiều triệu đô la. Tôi tin rằng, đây là chuyện chúng ta phải làm trong tương lai: trả giá cho những dịch vụ mà môi trường đã cung cấp cho chúng ta, và trả công cho những người làm các dịch vụ này. Rồi ra, chúng ta phải trả công cho họ để họ làm công việc này cho tất cả chúng ta.

Tháng 12 năm ngoái, tại Copenhagen, cộng đồng quốc tế đã thực hiện bước đầu tiên trong việc đòi xã hội phải trả giá cho những dịch vụ do thiên nhiên cung cấp miễn phí. Điều này được gọi là sáng kiến về Giảm Thiểu Khí Thải Vì Phá Rừng và Rừng Bị Xuống Cấp, theo đó dân chúng địa phương phải được trả công cho việc bảo vệ rừng.

Ông Pahvan Sukdhev nói rằng, việc này cho thấy thế giới đã từ từ hướng tới một nền kinh tế xanh.

Ông nói: “Tôi là một người lạc quan, và tôi nghĩ rằng nếu bạn tự nhận là một người bi quan thì đó chỉ là một cái cớ để không làm gì cả. Mọi người đã sẵn sàng (cho một nền kinh tế xanh), nhưng vấn đề là có những quyền lợi liên hệ tới chuyện này.”

Ông Pahvan Sukdhev nói rằng, sự thay đổi cần có ở một quy mô tương tự như cuộc cách mạng kỹ nghệ, nhưng cấp thiết hơn nhiều, bởi vì mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu. Việc này đòi hỏi một quyết tâm chính trị cao nhưng cộng đồng thế giới hiện chưa chứng tỏ cho thấy.