Cuốn phim “Obama Thời Niên Thiếu” ra mắt khán giả Indonesia

Một cuốn phim mới tựa đề Little Obama (Obama Thời Niên Thiếu), ghi lại diễn tiến khoảng thời gian Tổng thống Barack Obama sống tại Indonesia khi ông còn niên thiếu, đã ra mắt khán giả ở Jakarta.

Đạo diễn phim nói rằng cuốn phim cho thấy một thiếu niên Barack Obama đã trở thành lãnh tụ như ngày nay.

Trong ngày đầu ra mắt cuốn phim Little Obama tại Jakarta, trẻ em học sinh từ ngôi trường mà Tổng thống Obama đã theo học lúc còn nhỏ đến ca múa.

Khách mời cũng được chụp hình chung với một nhân vật trông giống như Tổng thống Obama lúc đã trưởng thành.

Nhưng diễn biến chính của buổi ra mắt là trình chiếu cuốn phim về những gì mà cậu thiếu niên Barry Obama, tên của ông thuở nhỏ, học hỏi được khi sống tại Jakarta vào đầu thập niên 1970. Từ bố dượng người Indonesia, cậu bé Barry Obama học tính tranh đấu chống trả khi cần thiết. Và từ thân mẫu, cậu học được tính tha thứ.

Đạo diễn cuốn phim Damien Dematra, nói rằng Little Obama được căn cứ trên những sự kiện thật ở ngoài đời, nhưng đây còn là một cuốn phim với một thông điệp. Đạo diễn Damien nhắc đến thông điệp mà cuốn phim muốn gửi gấm:

”Điều quan trọng là sự khác biệt, là tính đa nguyên. Khác nhau là chuyện bình thường. Khi chúng ta có những điều khác nhau không có nghĩa là chúng ta phải tranh chấp, và thông điệp thứ nhì của cuốn phim là không sử dụng bạo động, rằng bạo động không thể giải quyết được vấn đề."

Một cậu bé 12 tuổi, tên Hasan Faruq Ali, chưa bao giờ diễn xuất, đã thủ vai thiếu niên Barry Obama. Cũng giống như Tổng thống Obama, cậu là con trai của một cặp vợ chồng có hai dòng máu và đã dọn từ Hoa Kỳ sang Indonesia sống từ thuở ấu thơ.

Cậu Hasan phát biểu cảm tưởng về vai diễn:

”Em cảm thấy thật may mắn vì ngay cuốn phim đầu tay, em được đóng vai người mà em thực sự ái mộ, và là người đứng đầu thế giới hiện nay, một người nhiều quyền lực nhất thế giới bây giờ.”

Hiện diện trong danh sách khách mời có nhà phân tích thời cuộc Wimar Witoelar. Ông hy vọng rằng cuốn phim sẽ củng cố thêm cho sự liên kết về văn hóa giữa Hoa Kỳ và Indonesia. Ông nói:

”Cuốn phim cho người Mỹ thấy ông Obama đã từng sống tại Indonesia, và rằng sống tại Indonesia là điều có thể chấp nhận được. Còn đối người Indonesia thì cuốn phim cho thấy ông tổng thống Mỹ này là một người trong chúng tôi, vì thế cuốn phim này rất hữu ích để củng cố cho quan hệ văn hóa giữa hai nước.”

Tuy nhiên cuốn phim cũng tạo ra một ít quan tâm. Trước khi được ra mắt, một đoạn trong cuốn phim chiếu cảnh cậu thiếu niên Barry Obama, một tín đồ Ki Tô giáo, cầu nguyện như một tín đồ Hồi giáo, đã bị cắt bởi vì các nhà sản xuất ngại rằng cảnh đó sẽ gây ra quá nhiều phản ứng có tính cách chính trị.