Hai ngoại trưởng Iran, Ả rập Xê út họp ở Trung Quốc, khôi phục quan hệ ngoại giao

Ngoại trưởng Ả rập Xê út (trái) gặp ngoại trưởng Iran ở Bắc Kinh hôm 6/4/2023.

Hai bộ trưởng ngoại giao của Iran và Ả rập Xê út gặp nhau ở Bắc Kinh hôm thứ Năm 6/4, là lần đầu có cuộc gặp chính thức cấp ngoại trưởng giữa hai nước trong vòng hơn 7 năm.

Sau nhiều năm thù địch gây ra xung đột ở vùng Trung Đông, Iran và Ả rập Xê út đã đồng ý chấm dứt cuộc đối đầu ngoại giao và mở lại các cơ quan ngoại giao trong một thỏa thuận quan trọng do Trung Quốc giúp dàn xếp hồi tháng trước.

Ả rập Xê út, theo dòng Hồi giáo Sunni, và Iran, theo dòng Hồi giáo Shi'ite, là hai cường quốc có ảnh hưởng to lớn ở vùng Vịnh Péc xích. Hai nước cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ có các bước đi để mở lại các đại sứ quán và lãnh sự quán trong thời hạn hai tháng được nêu trong thỏa thuận.

Trong một bài đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Amirabdollahian nói rằng cuộc gặp 6/4 với người đồng cấp Saudi hoàn toàn "tích cực", đồng thời nói thêm rằng một trong những vấn đề được hai bên nhất trí là "đặt trọng tâm vào sự ổn định và an ninh bền vững", và điều đó cũng "nằm trong chương trình nghị sự chung".

Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp làm trung gian cho một thỏa thuận gây bất ngờ, đồng thời cũng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông. Vai trò của Trung Quốc trong diễn biến có tính đột phá này đã tác động mạnh mẽ đến các động lực trong một khu vực đầy xung đột, nơi Hoa Kỳ là nhà trung gian hòa giải chủ chốt trong nhiều thập kỷ.

Trong cuộc gặp với các đại diện ngoại giao của Iran và Ả rập Xê út, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói rằng Bắc Kinh ủng hộ các nước ở Trung Đông duy trì sự độc lập chiến lược của họ, loại bỏ "sự can thiệp" từ bên ngoài và nắm giữ tương lai của khu vực trong bàn tay của chính họ.

Sự hòa hoãn giữa vương quốc theo dòng Sunni và chế độ thần quyền cách mạng theo dòng Shi'ite có thể giúp mang lại ổn định ở Trung Đông, nơi hai nước đã yểm trợ cho các lực lượng ủy nhiệm cũng đi theo những phái tôn giáo khác nhau.

Ả rập Xê út cắt đứt quan hệ với Iran vào năm 2016 sau khi đại sứ quán nước này ở Tehran bị nhiều người xông vào phá phách giữa lúc hai nước bất hòa về việc Riyadh hành quyết một giáo sĩ theo dòng Shi'ite.

Mối quan hệ đã bắt đầu xấu đi một năm trước đó, sau khi Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất can thiệp vào cuộc chiến của Yemen, nơi phong trào Houthi liên kết với Iran đã lật đổ chính phủ do Ả rập Xê út hậu thuẫn và chiếm thủ đô Sanaa.

Không rõ liệu việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể giúp thúc đẩy hòa bình ở Yemen hay không.

Tuy nhiên, việc nối lại quan hệ có thể đồng nghĩa là sẽ có cải thiện an ninh cho Ả rập Xê út khi nước này theo đuổi đại dự án Tầm nhìn 2030 nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế vốn lâu nay vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ.

(Reuters)