Nga hứa chế tài không ảnh hưởng giao dịch năng lượng với Iran

  • Edward Yeranian
Iran đã được lời hứa của Nga rằng các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc mới đây sẽ không ảnh hưởng tới các giao dịch năng lượng giữa 2 nước.

Truyền thông nhà nước Iran thổi phồng tầm quan trọng của cuộc họp hôm thứ Tư giữa Bộ trưởng Dầu Hỏa Massoud Mir-Kazemi và Bộ trưởng Năng Lượng Nga Sergei Shmatko.

Iran và Nga ký nhiều thỏa thuận về năng lượng trong cuộc gặp gỡ tại Moscow. Cả hai bên cố làm giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc nhằm thuyết phục Teheran đình chỉ các hoạt động hạt nhân được coi là nhạy cảm.

Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về năng lượng là điều gây ngạc nhiên, xét những căng thẳng đang tăng giữa hai nước đồng minh lâu đời, liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.

Hồi đầu tuần, các giới chức Iran đã bày tỏ sự phẫn nộ của họ khi Tổng Thống Nga Dimitri Medvedev tuyên bố rằng trong nay mai Teheran sẽ có khả năng chế tạo một vũ khí hạt nhân.

Hiện không rõ liệu các thỏa thuận hôm thứ Tư có đưa đến kết quả cụ thể nào hay không. Nhưng Bộ trưởng Năng Lượng Nga nói rằng “các công ty Nga đã sẵn sàng phân phối các sản phẩm xăng dầu cho Iran“, ông còn nói rằng các biện pháp chế tài “sẽ không cản trở” Iran hay nước Nga.

Mới đây, các giới chức Nga nhiều lần tuyên bố họ không mấy hài lòng về các biện pháp chế tài đơn phương mà Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đã áp dụng, kể cả lệnh cấm bán xăng cho Iran.

Các biện pháp ấy vượt quá phạm vi các biện pháp thông qua tại Liên hiệp quốc hồi tháng Năm.

Bộ trưởng Dầu hỏa Iran đã tỏ thái độ thách thức, ông lưu ý rằng từ lâu, Iran đã tự túc về mặt năng lượng, mặc dù Iran mong muốn hợp tác với Nga.

Ông Mir-Kazemi nói Iran đã tự quản lý ngành công nghệ hydrocacbon trong 31 năm qua, từ sau cuộc Cách Mạng Iran. Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng vì cả Nga lẫn Iran đều có nhiều trữ lượng dầu hỏa lớn, sẽ có những lĩnh vực mà hai bên có thể tăng cường hợp tác.

Đài truyền hình Iran trích lời Bộ trưởng Mir-Kazemi, nói rằng các biện pháp chế tài sẽ “không có ảnh hưởng gì đến công cuộc phát triển kinh tế và công nghệ của Iran.”

Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trong mấy ngày gần đây.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Alex Vatanka thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông ở thủ đô Washington, nhiều cựu giới chức Iran đã bắt đầu thừa nhận rằng các biện pháp chế tài đã có tác động.

Nhà phân tích sinh quán ở Iran này nói: “Nếu đọc những lời bình luận của các cựu giới chức, những người vừa từ bỏ hệ thống nhà nước Iran, thì rõ rệt là họ nói rằng các biện pháp chế tài đã có hiệu quả, các biện pháp ấy đã làm giá cả gia tăng, có trường hợp tăng lên 1/3. Thế cho nên ông Mir-Kazemi có thể nói Iran vẫn tiếp tục sản xuất và đã làm như thế trong 31 năm qua, nhưng sự thật là, mức sản xuất chỉ đạt 2/3, so với mức trước cuộc cách mạng.”

Cơ quan Thông tấn Fars của Iran mới đây tường trình rằng lượng dầu xuất khẩu của Teheran đã giảm gần 25%, trong năm tài chánh hiện hành.

Ông Mehrdad Khonsari, từng là một nhà ngoại giao của Iran, và hiện là một phân tích gia độc lập. Ông nói rằng bất chấp những xích mích mới đây, Nga không muốn cắt đứt các liên hệ kinh tế với Iran, tuy vậy rõ ràng là Nga đang giậm chân tại chỗ về một số vấn đề chủ yếu liên quan tới quyền lợi của Iran.

Ông Mehrdad nói: “Người Nga đã tỏ ra thận trọng, trong khi ủng hộ các biện pháp chế tài, họ vẫn không muốn cho mọi người cái cảm tưởng rằng họ muốn cắt đứt tất cả các quan hệ kinh tế với Iran. Tuy nhiên, về những cam kết của họ, cả về lò phản ứng hạt nhân ở Bushehr hay chuyển giao phi đạn S-300, người Nga vẫn cố tìm cách trì hoãn.”

Trong mấy tuần qua, nhiều giới chức Iran đã than phiền một cách cay đắng rằng người Nga đang lợi dụng nước họ để mang lợi về cho mình, vì tình trạng ngày càng cô lập của Iran