Iraq gắng sức tạo việc làm và thịnh vượng

Công nhân làm việc tại mỏ dầu Zubair gần Basra, 550 km về phía đông nam Baghdad, Iraq, Chủ nhật, 15/5/2011

Iraq có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, nhưng kinh tế bị tác hại do nạn thất nghiệp cao, sự tàn phá của chiến tranh và hệ quả còn sót lại của những bước chế tài của quốc tế trong quá khứ.

Cơ sở hạ tầng tan nát và tranh chấp chính trị cũng làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Dầu hỏa áp đảo nền kinh tế có GDP 82 tỉ đôla mỗi năm, đem lại phần lớn thu nhập ngân sách và thu nhập xuất khẩu. Dầu trấn át mọi lãnh vực khác của kinh tế, một số kinh tế gia cho rằng nó có thể giúp mang lại tăng trưởng kinh tế trên 10%. Điều này gây ấn tượng cho Tổng thống Barack Obama:

“Trong những năm tới đây, kinh tế Iraq ước tính sẽ tăng trưởng còn nhanh hơn Trung Quốc hay Ấn Độ.”

Ông Obama tuyên bố như vậy sau cuộc họp gần đây tại Washington với Thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki. Iraq có trữ lượng dầu lớn thứ nhì trên thế giới, nhưng phần lớn còn nằm dưới đất. Thủ tướng Al-Maliki nói:

“Iraq cần kinh nghiệm và chuyên môn, tay nghề của Hoa Kỳ và nước khác giúp Iraq khai thác tài sản của mình một cách tốt nhất.”

Các công ty dầu ngoại quốc đã ký một vài hợp đồng tại Iraq, nhưng còn do dự đầu tư thêm cho đến khi chính quyền trung ương tại Baghdad và chính quyền địa phương Kurd đồng thuận về những luật minh bạch để điều hành lãnh vực kinh tế quan yếu này. Từ nhiều năm nay hai chính quyền này vẫn tranh cãi về vấn đề ai có quyền ký hợp đồng với các công ty dầu nước ngoài và cơ cấu các hợp đồng đó ra sao.

Ông Ben Lando, người phụ trách trang mạng về dầu hỏa Iraq nói với VOA:

“Vấn đề cơ bản gây tranh cãi là tương lai của nhà nước sẽ có bộ mặt như thế nào, và dầu là điểm bạn có thể thấy đóng vai trò quan trọng hơn cả.”

Kinh tế Iraq đang hồi phục chậm chạp từ chiến tranh và những chế tài trước đây. Có lúc, GDP đầu người hạ xuống mức 800 đôla, nhưng nay đã lên tới 3.000. Nhưng mức này vẫn thấp hơn mức của những năm 1970. Mức thất nghiệp ít nhất 18%, nhưng một khi công nghiệp dầu có hiệu năng hơn, thì người ta sẽ ít cần công nhân hơn.

Ông Mohsin Khan, thuộc Viện Kinh tế Thế giới Peterson tại Washington nói:

“Ngành lọc dầu thường đem việc làm cho 1.000 người trong những năm 1970, nay có thể chỉ thu dụng 10 người. Nhờ có máy tính và những kỹ thuật khác, người ta không còn cần nhiều nhân công nữa.”

Thế nhưng, người Iraq lại cần công ăn việc làm. Gần 25% trong dân số 32 triệu người của Iraq vẫn còn sống trong cảnh nghèo nàn.