Johannesburg

Câu nói của ông Nelson Mandela được khắc ghi ngay trên cổng ra vào của Viện Bảo Tàng Kỳ Thị Chủng Tộc: ‘To be free is not merely to cast off one’s chains, but to live in a way that respects and enhances the freedom of others'

Trên chân trái tôi từ nhỏ đã có một nốt ruồi đen khá lớn. Và mỗi năm tôi càng cao thì nó lại càng to ra như thể nó cũng phải lớn theo cùng năm tháng với tôi. Ở nhà hoặc đối với những ai thấy được cái nốt ruồi này thì họ đều bảo bởi vậy chân tôi là chân đi. Ngay cả không muốn đi thì ông trời ổng cũng sẽ bắt phải đi. Vì cái chân có nốt ruồi của tôi nó sẽ mãi là vậy.

Chưa bao giờ tôi thấy điều đó đúng như lúc này. Nhất là khi cuối cùng tôi đã phải ở lại Nam Phi tất cả là 2 ngày trong một hoàn cảnh rất ư là bất đắc dĩ mà không có một sự lựa chọn nào khác.

Thật ra lúc còn ngồi trên máy bay trước khi đáp xuống phi trường quốc tế O. R. Tampo của thành phố Johannesburg tôi đã dự định là tôi sẽ không đi ra ngoài làm gì vì thời gian quá eo hẹp. Vả lại nghe nói đâu thành phố Johannesburg cũng chẳng có gì để ngắm. Không chừng chưa kịp thấy gì cả thì tôi đã bị cướp giật hết đồ đạc vì so với thủ đô “Nairobbery” của Kenya thì Johannesburg cũng không vừa gì. Top 3 của Africa về cướp giật chứ chẳng phải chơi!

Nhưng thật đúng là người tính không bằng trời tính. Vừa bước ra khỏi máy bay chưa kịp đi đâu là tôi biết đã có chuyện. Vì cái tên cúng cơm “Hoi Trinh” của tôi đã có một nhân viên phi trường đang cầm trên tay tấm bảng đứng đợi từ bao giờ.

‘Yes, that’s me’. Tôi đã tự bước đến và giới thiệu mình với anh nhân viên người Nam Phi đang đứng cạnh cổng ra vào.

Xin chào anh đã đến Nam Phi, anh nhân viên bảo.

Có chuyện gì thế? Tôi hỏi ngay.

Oh. I am so sorry sir but because your flight was delayed, there’s not enough time for you to get to your connecting flight.

À! Thì ra vì máy bay tôi đáp trễ nên tôi sẽ không có đủ thời gian để đổi máy bay bay tiếp.

Như vậy thì sao?

Oh. Rất xin lỗi anh nhưng hôm nay chuyến bay mà anh vừa để trượt là chuyến duy nhất bay về lại Uganda và không biết ngày mai sẽ có chỗ cho anh không. Vì vậy chúng tôi đã sắp xếp cho anh ở một khách sạn cũng như coupon cho anh ăn sáng, trưa và tối. Chắc chắn 2 ngày sau sẽ có chỗ cho anh về lại Uganda!

Rõ là cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Nhiều khi tôi thấy chân mình nó thật là có hơi mỏi rồi đấy nhưng chẳng biết sao lúc nào nó cũng phải đi. Không vì việc công thì cũng vì việc tư. Hoặc thậm chí hoàn toàn phải đi ngược lại với những dự tính của mình như trong trường hợp này.
Thế mới bảo tôi có cái chân hay đi.

Tôi đã đi vào tận khu downtown của thành phố Johannesburg thường được gọi là Jozi với gần 10 triệu dân ở thành phố và những khu vực lân cận. Tôi đã tìm được đến khu township Soweto nghèo nàn của người da đen nơi đã nổi lên những cuộc biểu tình làm rúng động cả thế giới vào thập niên 70 và 80 vì đây cũng là nơi mà cả cựu Tổng Thống Nelson Mandela và Giám Mục Desmond Tutu đã từng sống qua và đồng lòng kêu gọi mọi người phải cùng nhau đứng lên tranh đấu cho sự công bằng và lẽ phải.

Nhưng có đến nơi này bạn mới thấy không phải một sớm một chiều mà sự công bằng và lẽ phải sẽ đến với từng người dân da đen đã bị mất mát và chịu thiệt thòi rất nhiều trong quá khứ. Phần lớn họ vẫn còn rất nghèo và đa số vẫn chưa thoát khỏi những tệ nạn trong xã hội vì nạn thất học và sự túng quẫn không lối thoát.

Cũng như sau khi ghé thăm viện bảo tàng về nạn kỳ thị chủng tộc (Apartheid Museum) tôi mới cảm nhận được rõ hơn những hệ quả mà nó đã và vẫn đang mang lại làm ảnh hưởng đến hàng ngàn, hàng trăm vạn người dân, bất kể trắng hay đen. Như Nelson Mandela đã nhận định trong quyển hồi ký “Long Walk To Freedom” của ông, nếu chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu năm để gieo rắc sự thù hận và kỳ thị áp bức thì chúng ta sẽ phải cần ít nhất bấy nhiêu năm để gột rửa tất cả những gì còn tồn đọng trước khi có thể bắt đầu xây dựng lại từ đầu.

Kể ra đôi khi có cái chân hay đi thì cũng mệt thật. Nhưng suy cho cùng cũng nhờ nó mà tôi đã thấy và học được rất nhiều, cảm nhận được rất nhiều những trái ngang trong cuộc sống. Như câu nói này của Nelson Mandela được khắc ghi ngay trên cổng ra vào của Viện Bảo Tàng Kỳ Thị Chủng Tộc:

‘To be free is not merely to cast off one’s chains, but to live in a way that respects and enhances the freedom of others'. Được tự do không có nghĩa chỉ có chính ta thoát khỏi gông cùm, mà là sống một cuộc sống luôn tôn trọng và giúp cho những người khác được tự do hơn.

Trong không khí nhộn nhịp sôi động của cả thành phố đang háo hức chuẩn bị tổ chức lễ khai mạc World Cup vào thứ năm tuần trước, nói thật tôi đã không cảm thấy hứng khởi bằng một câu nói rất đơn giản như trên.