ISAF: Kế hoạch chuyển giao ở Afghanistan diễn ra đúng kế hoạch

Khả năng của lực lượng Afghanistan tiếp tục cải thiện.

Các giới chức NATO cho biết đến giữa năm 2013 các lực lượng an ninh Afghanistan sẽ lãnh đạo các hoạt động an ninh trên khắp nước. Họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng “những vụ tấn công nội bộ” có thể gây phương hại cho kế hoạch triệt thoái trước cuối năm 2014. Từ Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do NATO lãnh đạo, gọi tắt là ISAF, đã bắt đầu kế hoạch chuyển giao dần trách nhiệm an ninh cho các lực lượng quốc gia Afghanistan cách nay gần hai năm, và họ định hoàn tất tiến trình này vào cuối năm 2014, là lúc mà tất cả các lực lượng tác chiến nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan.

Hôm thứ ba, người phát ngôn của liên minh quân sự quốc tế, Chuẩn tướng Gunter Katz, cho báo chí ở Kabul biết rằng tiến trình chuyển tiếp đang diễn ra suôn sẻ. Ông nói rằng các lực lượng an ninh Afghanistan hiện đang lãnh đạo hơn 80% hoạt động an ninh tại 23 tỉnh trong tổng số 34 tỉnh trên cả nước.

Tướng Katz cho biết: "ISAF tiếp tục tiến trình chuyển tiếp trách nhiệm cho các lực lượng Afghanistan và trong năm 2013, 100% của nước này sẽ nằm trong tiến trình chuyển tiếp."

Người phát ngôn của ISAF một lần nữa bác bỏ ý kiến cho rằng lực lượng quốc gia Afghanistan sẽ không có đủ khả năng để ứng phó với cuộc nổi dậy của phe Taliban một khi các binh sĩ Hoa Kỳ và NATO chính thức chấm dứt các hoạt động tác chiến vào cuối năm 2014.

Ông nói rằng phẩm chất và khả năng duy trì lâu bền của các lực lượng Afghanistan tiếp tục cải thiện và họ đã thành công trong nỗ lực chiến đấu chống lại quân nổi dậy ở những khu vực mà họ cầm đầu các hoạt động an ninh.

Tướng Katz nói: "Điều mà chúng tôi nhận thấy ở đây là tất cả các quận đang nằm trong tiến trình chuyển tiếp đã có được an ninh và những vụ giao tranh đã giảm đi, và tình hình an ninh mỗi ngày một ổn định hơn."

Tướng Katz cũng xác nhận vụ việc xảy ra hôm thứ hai tại một căn cứ quân sự trong tỉnh Helmand ở miền nam, trong đó một người được cho thành viên của Quân đội Quốc gia Afghanistan bắn chết một binh sĩ Anh và gây thương tích cho vài người khác.

Tướng Katz nói: "Kẻ nổ súng, người đã thật sự quay vũ khí để bắn vào các thành viên của quân đội quốc gia Afghanistan và ISAF, đã bị bắn chết trong vụ này."

Các sĩ quan cảnh sát vừa tốt nghiệp của Afghanistan.

Con số những vụ tấn công nội bộ, thường được gọi là “xanh lá cây chống xanh da trời”, đã tăng mạnh trong năm 2012. NATO cho biết 45 vụ tấn công như vậy đã xảy ra trong năm ngoái, gây tử vong cho ít nhất 61 binh sĩ liên minh, phần lớn là binh sĩ Mỹ.

Phe Taliban nói rằng chiến binh của họ đã xâm nhập vào hàng ngũ của quân đội và cảnh sát Afghanistan để thực hiện những vụ tấn công này. Các giới chức NATO bác bỏ lời rêu rao đó, nhưng đồng thời họ cũng thừa nhận là đa số những vụ tấn công nội bộ có thể có liên hệ với cuộc nổi dậy.

Nhiều người tin rằng những vụ tấn công nội bộ gây phương hại cho sự tin tưởng giữa các lực lượng Afghanistan và các đối tác nước ngoài. Nhưng các giới chức NATO cho rằng các vụ tấn công này không đe dọa tới kế hoạch triệt thoái vào năm 2014.

Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai sẽ hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Washington vào thứ 6 tuần này. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về hiệp định an ninh dài hạn giữa hai nước với mục tiêu là cho phép một số binh sĩ của Mỹ lưu lại Afghanistan sau năm 2014.

Nhưng các nhóm nổi dậy, trong đó có nhóm Hizb-e-Islam nằm dưới sự lãnh đạo của lãnh chúa Gulbuddin Hekmatyar đang bị truy nã, phản đối sự hiện diện của các lực lượng ngoại quốc sau năm 2014.

Ông Ghairat Baheer là người đại diện cho nhóm Hizb-e-Islam trong vài vòng hòa đàm mới đây. Ông đã nhắc lại với đài VOA sự phản đối của tổ chức của ông.

Ông Baheer nói: "Sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài dưới bất kỳ chiêu bài nào và dưới bất kỳ lý do nào cũng sẽ không được người dân Afghanistan chấp nhận. Nếu người Mỹ muốn ở lại Afghanistan, họ cần phải chấp nhận rằng điều đó sẽ là một sự tiếp tục của cuộc chiến tranh ở Afghanistan."

Chính phủ của Tổng thống Karzai đang tìm cách lôi kéo Taliban, Hizb-e-Islam và các nhóm nổi dậy khác vào bàn hội đàm để thuyết phục họ chấm dứt bạo động và tham gia vào tiến trình hòa giải chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc triệt thoái trong trật tự của các lực lượng NATO.

Nhưng ông Baheer, con rể của lãnh chúa Hekmatyar, nhất mực cho rằng những nỗ lực hòa giải sẽ không thành công cho tới khi toàn bộ các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan trước cuối năm 2014.