Ông Kerry: Vụ tấn công ở Nice cho thấy nhu cầu cần tăng cường hành động ở Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa) dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân vụ khủng bố ở Nice trong một cuộc họp tại Moscow, Nga, 15/7/2016.

Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói vụ tấn công ở Nice cho thấy nhu cầu ngày càng tăng trong hành động tiêu diệt khủng bố, đặc biệt là tại Syria.

Ông Kerry đang đi thăm Moscow trong một nỗ lực tranh thủ sự hợp tác của Nga trong các hoạt động chống khủng bố tại Syria, bất chấp thất bại trong mối quan hệ Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine, NATO và những vấn đề khác khiến cho hai bên âm ỉ nghi ngờ nhau.

Vào tối thứ Năm, một người đàn ông lái chiếc xe tải băng qua một đám đông đang mừng Ngày Bastille (Quốc khánh Pháp) trên con đường đi dạo dọc bờ biển Nice, giết chết ít nhất 84 người và làm bị thương hàng chục người khác. Ông Kerry đề cập đến vụ “tàn sát không thể tin nổi” ở Nice khi ông nói rằng cần phải làm điều gì đó đối với những kẻ khủng bố ở Syria, và rằng Hoa Kỳ và Nga đang ở một vị trí đặc biệt thích hợp để làm một cái gì đó về vấn đề này.

Ông Kerry nói: "Tôi nghĩ mọi người trên thế giới đang nhìn vào chúng ta và chờ đợi chúng ta tìm ra một phương cách nhanh chóng và cụ thể hơn để họ cảm thấy rằng mọi thứ có thể làm được đã được thực hiện để chấm dứt cơn dịch khủng bố này và đoàn kết thế giới trong những nỗ lực toàn diện nhất có thể để chống lại cách thức tiêu cực và vô đạo đức đối với sự sống chết". Sau đó, ông nhìn sang ông Lavrov và nói tiếp rằng: "Ông và tôi, và các đội ngũ của chúng ta đang ở trong một vị trí ưu việt để có thể thực sự làm điều gì đó để giải quyết vấn đề".

Ông Kerry và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau vào đêm thứ Năm để thảo luận về xung đột tại Syria. Ông Kerry cho biết cuộc thảo luận của họ là “nghiêm túc và thẳng thắn”, nhưng người phát ngôn của điện Kremlin nói hai bên đã không nói về việc hợp tác quân sự trực tiếp tại Syria.

Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov cho các nhà báo biết:

“Chủ đề hợp tác quân sự trực tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố đã không được đưa ra trong các cuộc thảo luận. Việc trao đổi thông tin đang diễn ra, nhưng tiếc là chúng tôi chưa bắt đầu hợp tác thực sự để cải thiện đáng kể hiệu quả của các nỗ lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.

Các cuộc thảo luận trong hai ngày của ông Kerry với các giới chức Nga dự kiến sẽ đề cập đến một loạt các vấn đề; nhưng các thông tin lọt ra ngoài đầu tiên đăng trên báo The Washington Post cho thấy nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đã đề nghị một điều ngoạn mục với ông Putin: đó là một liên minh quân sự Mỹ-Nga chống lại Nhà nước Hồi giáo, al-Qaida và các nhóm cực đoan khác ở Syria.

Trước khi đến Moscow, ông Kerry đã từ chối không nêu rõ chi tiết, nhưng lưu ý là ông sẽ có cuộc họp với cả hai ông Putin và ông Lavrov.

Ông Kerry nói: “Chúng tôi sẽ có rất nhiều thời giờ để nói về chuyện này”.

Liên minh chống khủng bố

Những phác thảo sơ khởi của đề xuất bị rò rỉ, được gọi là “Nhóm Thực thi chung” Mỹ-Nga, có tác dụng đồng bộ hóa các hoạt động ném bom chống lại các nhóm cực đoan để đổi lấy áp lực của Nga lên lãnh đạo Syria là ông Bashar al-Assad.

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết Hoa Kỳ hiện không “tiến hành hoặc phối hợp các hoạt động quân sự” với Nga ở Syria. “Không rõ vào thời điểm này liệu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận để làm điều đó hay không”.

Washington đã kêu gọi Moscow buộc ông Assad phải ngừng ném bom vào các nhóm chiến binh ôn hòa và thường dân, và cuối cùng, đồng ý rời bỏ quyền lực. Ước tính khoảng nửa triệu người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại Syria.

Thỏa thuận Mỹ-Nga, nếu được thực hiện, sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể lập trường của Hoa Kỳ:

Kể từ vụ can thiệp quân sự của Nga vào cuộc xung đột Syria hồi tháng Chín năm ngoái, Washington đã nhiều lần cáo buộc điện Kremlin sử dụng không lực để hỗ trợ cho chế độ Assad hơn là thực hiện mục tiêu mà Nga nói là nhằm vào những kẻ khủng bố.

Sự hoài nghi đó vẫn tồn tại. Chỉ mới tuần này, các giới chức Mỹ cáo buộc Nga ném bom vào hai trại phiến quân do Hoa Kỳ hậu thuẫn và gia đình của họ. 135 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công.

Trả đũa ngoại giao

Những người chỉ trích từ cả hai phía cũng nêu ra hậu quả ngoại giao kéo dài của cuộc khủng hoảng Ukraine, các cuộc tập trận của các nước thành viên NATO dọc theo biên giới Nga, những vụ trục xuất các nhà ngoại giao theo kiểu ăn miếng trả miếng và những cử chỉ kém thân thiện khác.

Tuần này, ông Jeff Shell, Chủ tịch Ban Quản trị Truyền thông của Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản của đài VOA và các hãng truyền thông khác do chính phủ Mỹ bảo trợ, đã bị từ chối nhập cảnh vào Nga, mặc dù thị thực và hộ chiếu của ông đều hợp lệ. Các giới chức Nga sau đó thông báo rằng ông đã bị “cấm vĩnh viễn” vào Nga.

Nhưng ông Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga cho trang web Slon.ru, nói bất chấp những vòng xoáy nghi ngờ lẫn nhau, vẫn có thể có chỗ cho một thỏa thuận về Syria.

Ông Frolov nói với VOA: “Moscow muốn một lối thoát chính trị ra khỏi cuộc chiến”.

Giá đắt

Ông lưu ý rằng điện Kremlin đang đối diện với “những lợi ích đang ngày càng giảm đi” từ con tốt thí Syria, với những thiệt hại sinh mạng và của cải tăng lên. Bất chấp tuyên bố của ông Putin hồi tháng Ba rằng Nga đã đạt được các mục tiêu quân sự của mình và sẽ chính thức rút khỏi Syria, những hoạt động tác chiến của Nga vẫn tiếp tục.

Số thương vong cũng thế. Nga chính thức cho biết con số 12 người thiệt mạng, trong đó có hai phi công lái máy bay trực thăng của Nga đã bị các chiến binh IS tại Syria bắn hạ hồi tuần trước. Các chuyên gia bên ngoài cho rằng con số này còn cao hơn rất nhiều.

Ông Frolov nói: “Điện Kremlin biết rằng để đánh bại lực lượng nổi dậy đòi hỏi một tầm mức mà Nga không mong muốn”.

Ông nói thêm rằng “Nếu thương vong tăng lên, sẽ rất khó phủ nhận rằng họ đang bị mắc kẹt. Và họ thực sự đang mắc kẹt”.