Kêu gọi các nước giàu tôn trọng cam kết tài chánh về biến đổi khí hậu

Tài trợ cho biến đổi khí hậu là yếu tố tranh cãi chính trong những cuộc thương thuyết tại Paris vào cuối năm 2015 để đạt được một thỏa thuận toàn cầu ngăn chặn, giảm bớt khí thải nhà kính làm quả đất ấm dần.

Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi ngày 11/4 ra tuyên bố chung thúc đẩy các quốc gia công nghiệp tôn trọng các cam kết tài chánh đưa ra tại Paris năm 2015 để giúp các nước đang phát triển chống lại biến đổi khí hậu.

Tiếp theo hội nghị tại Bắc Kinh, các bộ trưởng biến đổi khí hậu của 4 nền kinh tế mới nổi này kêu gọi các nước giàu “tôn trọng cam kết và gia tăng tài trợ cho biến đổi khí hậu để đạt được mục tiêu 100 tỉ đô la” và nói rằng cần rõ ràng hơn để “theo dõi và quy trách nhiệm” các lời hứa này.

Tài trợ cho biến đổi khí hậu là yếu tố tranh cãi chính trong những cuộc thương thuyết tại Paris vào cuối năm 2015 để đạt được một thỏa thuận toàn cầu ngăn chặn, giảm bớt khí thải nhà kính làm quả đất ấm dần, với Trung Quốc và các nước đang phát triển khác cương quyết cho rằng toàn thể gánh nặng nên được đặt trên vai của các nước công nghiệp tiên tiến như Hoa Kỳ chẳng hạn.

Trong khuôn khổ của thỏa thuận Paris, các quốc gia đã phát triển đồng ý tài trợ thêm cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), được lập ra để giúp các nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên thỏa thuận này đang lâm vào tình trạng không chắc chắn vì Tổng thống Donald Trump, người nghi ngờ về căn bản khoa học của việc tăng nhiệt toàn cầu, trong tháng qua đã đề nghị chấm dứt tài trợ cho GCF và ký một lệnh hành pháp hủy bỏ những luật lệ về biến đổi khí hậu do người tiền nhiệm của ông ban hành.

Tại cuộc họp báo sau buổi họp ngày thứ Ba 11 tháng 4, thứ trưởng Bộ môi trường Nam Phi Barbara Thompson nói những thay đổi mới đây của chính sách Hoa Kỳ “là quan ngại chính của các nước đã phát triển.”

Bà nói “lập trường của Mỹ chưa rõ ràng. Chúng tôi tin là có những quan điểm khác biệt trong chính quyền Mỹ” về vấn đề này.

Cũng trong cuộc họp báo này, đặc sứ Trung Quốc về khí hậu, ông Xie Zhenhua, cho rằng Trung Quốc vẫn quyết tâm làm việc chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Lời hứa chung của Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới, giúp thu ngắn những cách biệt giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển và tạo đà tiến tới ký kết thỏa thuận Paris.

Ông Tập cho biết hiện nay Trung Quốc có thể đã vượt quá cam kết về biến đổi khí hậu vào năm 2020, trong đó có lời hứa giảm mức các bon 2005-là mức sản xuất trên một đơn vị tăng trưởng kinh tế-từ 40% đến 45%.