Mỹ không loại trừ khả năng đàm phán thêm với Bắc Triều Tiên

Ông Glyn Davies nói Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tiếp tục trao đổi thông tin liên lạc xoay quanh một vòng đàm phán thứ ba.

Giữa những dấu hiệu cho thấy Seoul và Washington tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc riêng rẽ ở hậu trường với Bình Nhưỡng, các nhà ngoại giao của cả Nam Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ đang so sánh các ghi nhận.

Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên, ông Glyn Davies, đang có mặt ở Nam Triều Tiên. Đi cùng với ông có ông Clifford Hart, vị đặc sứ sẽ trở thành trưởng đoàn đại diện của Washington nếu như các cuộc đàm phán 6 bên với Bắc Triều Tiên được nối lại.

Hai ông Davies và Hart hôm nay họp với ngoại trưởng, bộ trưởng bộ thống nhất và cố vấn an ninh quốc gia của Nam Triều Tiên.

Tuần tới các giới chức Mỹ sẽ mở các cuộc đàm phán về Bắc Triều Tiên với các giới chức Nhật Bản và Trung Quốc, tuần tự ở Tokyo và Bắc Kinh.

Các cuộc thảo luận tập trung vào việc tìm cách đạt được thỏa thuận giữa hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga để nối lại các cuộc đàm phán 6 nước đã bị đình trệ lâu nay về việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Các cuộc đàm phán chính thức nhắm mục đích buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ ồ ạt và cải thiện quan hệ ngoại giao.

Ông Davies nói thông tin liên lạc giữa chính phủ Hoa Kỳ và các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên, tại phái bộ của Bình Nhưỡng ở Liên Hiệp Quốc tại New York, tiếp tục xoay quanh một vòng thứ ba của các cuộc đàm phán thăm dò giữa hai nước, hiện không có quan hệ ngoại giao.

“Các cuộc tiếp xúc với Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục. Tôi hy vọng ở một thời điểm nào đó trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có một cơ hội để trở lại bàn đàm phán với họ. Nhưng thực tình chúng ta không muốn đàm phán chỉ để đàm phán,” ông Davies nói.

Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm rằng Bắc Triều Tiên cần phải chứng tỏ họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp cụ thể – tỷ như tuân thủ một số cam kết và đình chỉ chương trình tinh chế uranium của họ – trước khi Washington và Seoul có thể đề nghị việc nối lại các cuộc thảo luận 6 bên.

Ông Davies cũng cho biết Washington đã nói với Bình Nhưỡng rằng Hoa Kỳ khuyến khích đối thoại trực tiếp thêm giữa hai miền Nam-Bắc.

Seoul và Bình Nhưỡng cũng đã mở hai vòng họp trong năm nay để xem có quan điểm chung nào về các cuộc đàm phán hạt nhân hay không. Và có những tin tức mới cho thấy đã có thêm các cuộc đàm phán bí mật mới đây giữa hai nước Triều Tiên, tập trung vào các vấn đề nhân đạo.

Các giới chức Bắc Triều Tiên từng nói rằng các cuộc đàm phán hạt nhân phải nối lại mà không có điều kiện tiên quyết. Sự bực bội giữa các giới chức chính phủ Bắc Triều Tiên dường như đang gia tăng.

Một giới chức thuộc một tổ chức có liên hệ với Bắc Triều Tiên, có các tiếp xúc chặt chẽ với giới hữu trách ở Bình Nhưỡng, mới đây cho đài VOA biết là nếu các cuộc đàm phán 6 bên không được nối lại trước giữa năm tới, thì quân đội Bắc Triều Tiên sẽ cảm thấy phải “có biện pháp” nào đó.

Các chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên có thành tích vận dụng đến quân đội và các hình thức khiêu khích khác khi giới lãnh đạo nhận thấy rằng ngoại giao không đem lại tiến triển. Những sự cố trước đây gồm 2 vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cũng như các vụ phóng phi đạn đạn đạo và các phi đạn khác.