Seoul bác bỏ kêu gọi họp khẩn của TQ để xoa dịu căng thẳng

Tổng Thống Lee Myung Bak (phải) tiếp kiến Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc,

Các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến tại Châu Á để tháo ngòi những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Nam Triều Tiên bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc hãy triệu tập tức thời các cuộc đàm phán đa quốc gia nhằm thảo luận vấn đề Bắc Triều Tiên. Lời kêu gọi đó được đưa ra giữa lúc Hoa kỳ và Nam Triều Tiên khởi sự cuộc thao dượt hải quân kéo dài 4 ngày, nhằm phô trương lực lượng để thuyết phục Bình Nhưỡng chớ tiếp tục gây hấn sau cuộc tấn công hôm thứ Ba vào hòn đảo Yeonpyeong.

Nam Triều Tiên bác bỏ thẳng thừng việc nối lại tức thời cuộc đối thoại đa phương liên quan tới Bắc Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, bằng lời lẽ ngoại giao, nói rằng đề nghị của Trung Quốc xứng đáng được “xem xét một cách kỹ lưỡng.”

Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đã tiếp các giới chức Trung Quốc đến thăm hôm Chủ nhật.

Báo chí trích lời ông là đã nói với các giới chức Trung Quốc rằng hiện không phải lúc để nối lại đàm phán, mà cấp bách hơn là làm thế nào ứng phó với sự hiếu chiến của Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc cho biết họ muốn chủ trì các phiên họp khẩn trong tháng 12, với sự tham dự của cả hai miền bán đảo Triều Tiên, với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.

Phát ngôn viên của Tổng Thống Nam Triều Tiên Hong Sang Pyong cho hay, Tổng Thống Lee Myung Bak đã nói với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Ðới Bỉnh Quốc, rằng Seoul trông đợi Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Nam Triều Tiên còn cho biết là dịp này, Tổng Thống Lee đã truyền đạt thông điệp rằng Seoul sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ hành động khiêu khích quân sự nào khác từ miền Bắc.

Những cuộc thảo luận vừa kể diễn ra 5 ngày sau khi Bắc Triều Tiên tấn công một hòn đảo Nam Triều Tiên bằng một loạt đạn pháo, giết chết 4 người.

Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ và hai tàu khu trục của hải quân Nam Triều Tiên cùng nhiều tàu khác, hiện đang có mặt trên vùng biển Hoàng Hải để dự cuộc tập trận 4 ngày.

Các giới chức Mỹ nói các cuộc thao dượt hải quân này đã được dự trù trước cuộc tấn công bằng trọng pháo của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, họ không bác bỏ nhận định cho rằng cuộc thao dượt đang tiến hành là một hành động phô trương lực lượng nhằm mục đích răn đe Bình Nhưỡng chớ nên tiếp tục đưa ra những hành động khiêu khích khác.

Giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề An ninh Quốc gia của Nam Triều Tiên, ông Choi Jong Chul, nói Bắc Triều Tiên khó có thể tung ra bất cứ hành động khiêu khích nào, trong khi cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Nam Triều Tiên diễn ra.

Ông Choi, còn là một giáo sư dạy môn chiến lược quân sự tại Học viện Quốc Phòng Quốc Gia Triều Tiên, nói tuy nhiên một khi hàng không mẫu hạm Mỹ rời khỏi khu vực, thì khó có thể đoán trước Bắc Triều Tiên sẽ làm gì, và vì thế, Seoul cần chuẩn bị để có thể ứng phó trước bất cứ tình huống nào.

Giới truyền thông Nam Triều Tiên tường trình rằng các lực lượng quân sự của miền Bắc đã đặt các tên lửa đất-đối-đất trên bệ phóng tại Hoàng Hải, và đã di chuyển các tên lửa đất-đối-không đến các khu vực tiền tuyến.

Bình nhưỡng khuyến cáo sẽ trả đũa giữa lúc cuộc thao dượt quân sự Mỹ-Nam Triều Tiên đang diễn ra.

Một cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật nói rằng các lực lượng miền Bắc sẽ giáng một “đòn quân sự tàn khốc”, nếu lãnh thổ Bắc Triều Tiên bị xâm phạm.

Bắc Triều Tiên thừa nhận họ đã phát động cuộc tấn công vào đảo Yeonpyeong trong khi diễn ra cuộc tập trận hàng năm của quân đội Nam Triều Tiên.

Trong cuộc diễn tập này, một đạn pháo đã được phóng về hướng Tây vào một vùng biển gần biên giới lãnh hải hai bên, một điều mà Bắc Triều Tiên không chấp nhận.

Bình nhưỡng nói nếu có tử vong nơi thường dân trong cuộc tấn công đó, thì đó là điều đáng tiếc, tuy nhiên họ nói thêm rằng Nam Triều Tiên đang sử dụng thường dân như “khiên đỡ đạn“tại đảo Yeonpyeong.

Những người còn lại trên đảo đã được lệnh phải xuống hầm trú ẩn trong 40 phút hôm Chủ nhật, sau khi có tiếng đạn pháo từ Bắc Triều Tiên, vốn chỉ cách đảo Yeonpyeong có 12 km.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy là bất cứ quả đạn pháo nào đã rơi xuống đất Nam Triều Tiên hôm Chủ nhật.

Tất cả các nhà báo đã được lệnh của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên phải rời đảo Yeonpyeong trước khi chiều tối.

Bộ Quốc phòng đã đánh đi một tin nhắn khẩn bằng text, nói rằng những người ở lại sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm bởi vì Bắc Triều Tiên có thể tung ra một hành động khiêu khích khác.

Tin cho hay, Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak sẽ đọc một bài diễn văn gửi đến quốc dân trong ngày thứ Hai. Cho tới nay, ông chưa lên tiếng trước công chúng, hoặc nói chuyện với các nhà báo, kể từ khi xảy ra cuộc tấn công hôm thứ Ba.